Bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2000, phong trào TDĐKXDĐSVH đã bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua 20 năm thực hiện, Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả khả quan, chất lượng ngày càng được nâng cao, làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân và toàn xã hội.
Toàn tỉnh đã tổ chức hàng ngàn lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới cho cán bộ văn hóa các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về tổ chức thực hiện công tác gia đình và xây dựng đời sống văn hóa cho đội ngũ cán bộ văn hóa - xã hội. Các lớp tập huấn được cán bộ văn hóa cơ sở đánh giá cao.
Tính đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn toàn tỉnh có: 154.723/167.963 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 92,1%; 98,7 % thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương; 94,1 % cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 57/101 xã chiếm 56,4 % xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 37,5 % phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 80 % xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - thể thao; 94,9% làng, bản, khu phố có Nhà văn hóa - Khu thể thao, 64,6% Nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch1.
Nhìn chung, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước khác trở thành phong trào rộng khắp, lan tỏa trong nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chung tay góp sức vượt qua khó khăn, thách thức cùng phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Thông qua phong trào, nhiều nét đẹp trong văn hóa, lao động sản xuất đã được hình thành. Các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển; đạo đức truyền thống tốt đẹp được khơi dậy và giữ gìn; tình làng nghĩa xóm được thắt chặt; tệ nạn xã hội được đẩy lùi; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, công tác đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ nhiện được thực hiện tốt hơn, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng nếp sống văn minh công sở đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn, hiệu quả phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được duy trì.
Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp từng bước đạt chuẩn theo quy định; các nét đẹp văn hóa truyền thống được quan tâm giữ gìn, phong trào văn hóa - văn nghệ, thể thao quần chúng được tổ chức ngày càng đa dạng, phong phú. Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, lễ hội đã được tăng cường. Qua đó đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện nhà. Đặc biệt, nhờ có phong trào đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân đã được nâng cao, đường làng ngõ xóm được thông thoáng, môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Qua đó, góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc và sức khỏe cho Nhân dân. Ngoài ra, phong trào xây dựng người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của phong trào TDĐKXDĐSVH. Đây là phong trào đậm tính nhân văn và tính xã hội sâu sắc. Bởi lẽ thông qua các hoạt động thi đua lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu, sáng tạo... tại các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đều xuất hiện những tấm gương tiêu biểu “Người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến có khả năng nêu gương, làm gương đầy thuyết phục và hiệu quả. Theo đó, qua đánh giá, xét duyệt hàng năm có trên 2.000 tập thể, cá nhân được cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng2.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở tỉnh ta hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa vào đời sống xã hội ở một số địa phương còn chậm, chưa được chú trọng. Một số cán bộ vẫn coi nhẹ vai trò và tác dụng của văn hóa đối với đời sống tinh thần của Nhân dân. Do nhận thức như vậy nên việc quan tâm, đầu tư những thiết chế, đào tạo nguồn nhân lực dành cho văn hóa vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu thực tại. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hoá, thông tin và thể thao trên địa bàn hiệu quả chưa cao; vẫn còn tình trạng hoạt động thể thao, hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động; hoạt động quảng cáo thực hiện trên địa bàn tuỳ tiện, vi phạm trật tự văn minh đô thị. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở các di tích lịch sử văn hoá còn nhiều lúng túng, thiếu đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; một số lễ hội tổ chức đơn điệu và chỉ quan tâm “phần lễ”, ít chú ý tổ chức “phần hội” để thu hút khách đến với lễ hội. Trang thiết bị hoạt động trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền cổ động còn lạc hậu và thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhiều trong công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó năng lực tham mưu, chỉ đạo và tổ chức điều hành thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá, thông tin và thể thao của thành phố và cơ sở còn bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, thiếu cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn giỏi.
Để thực hiện có hiệu quả hơn phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở tỉnh Quảng Trị, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo về văn hóa của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò điều hành của cấp chính quyền, sự tham mưu, chỉ đạo của Ban chỉ đạo các cấp là điều kiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Tăng cường sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào trong giai đoạn mới, phải thật sự xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cấp, mỗi ngành, gắn với phát động mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, để tạo ra động lực mạnh mẽ nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương hàng năm.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và vận dụng có hiệu quả những văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước các cấp về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhấn mạnh vào việc thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW gắn với Chương trình hành động số 100-CTHĐ/TU, ngày 16/10/2014 của BCH Đảng bộ tỉnh quảng Trị khóa XV thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Thứ ba, xây dựng được tiêu chuẩn chức danh cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở trên một số cương vị công tác cụ thể. Cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ văn hoá cho các cán bộ văn hoá cơ sở; đồng thời có kế hoạch bổ sung đội ngũ lâu dài. Phát huy vai trò vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi… làm nòng cốt trong quá trình thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Thứ tư, xây dựng cơ chế huy động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia xây dựng đời sống văn hóa; vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên của nhà văn hóa, khu thể thao xã, thôn làng bản và tương đương.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới toàn diện công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07-4-2014 của Bộ Chính trị nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tính chủ động, sáng tạo trong phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với từng nội dung xây dựng đời sống văn hóa, phù hợp với thực tiễn từng đơn vị. Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng, xử lý vi phạm theo đúng hướng dẫn số 83/HD-MTTW-BTT ngày 08/8/2017 của Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các tiêu chí đánh giá và khen thưởng cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Những thành tựu Quảng Trị đạt được qua 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là minh chứng phản ánh rõ nét nhất nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị. Cách triển khai bài bản, bền bỉ, linh hoạt, mang tính đặc thù của địa phương là “cái gốc” vững chắc cho việc xây dựng, bồi đắp, giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương./. Lê Thị Thanh Nhạn - Trường Chính trị Lê Duẩn
Trích dẫn: [1][2] Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Báo cáo kết quả thực hiện các Quyết định của TTCP liên quan đến hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có hiệu lực đến năm 2020.