Trong bối cảnh thế giới toàn cầu chịu nhiều khó khăn và biến động mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, tác động tiêu cực của sự kiện Brexit; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; những bất ổn về địa chính trị tại một số khu vực, cũng như đại dịch cúm COVID-19…, TTCK Việt Nam vẫn không ngừng phát triển ổn định, an toàn và bền vững sau 20 năm hình thành và đi vào hoạt động, trở thành một kênh đầu tư hiệu quả.
Hai mươi năm trước, phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam vào ngày 28/7/2000 với hai mã cổ phiếu là REE và SAM, đánh dấu một mốc lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trải qua 20 năm phát triển, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên hai sở giao dịch chứng khoán là 1.647 công ty, với giá trị niêm yết/đăng ký giao dịch là 1428 nghìn tỷ đồng.
Nếu như năm 2000, hầu hết vốn của các doanh nghiệp (DN) được vay từ hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng là khoảng 40% GDP, hoạt động huy động vốn trên TTCK hầu như chưa xuất hiện. Vốn huy động qua thị trường chứng khoán ban đầu chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ so với cung tín dụng (năm 2010 chỉ đạt 11%) nhưng sau đó đã có sự cải thiện nhanh chóng nhờ các chính sách phát triển thị trường chứng khoán.
Vai trò quan trọng của sự phát triển ổn định và bền vững về mặt quy mô của TTCK Việt Nam còn thể hiện ở thời điểm khó khăn nhất trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu năm 2008, đã cho thấy cấu trúc hệ thống thị trường tài chính nước ta đang đi theo xu thế chung của thế giới với một cấu trúc cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ - ngân hàng và thị trường vốn (thị trường chứng khoán), bảo đảm sự ổn định của cả hệ thống tài chính.
Mặc dù sau đó, giai đoạn 2008-2009, các chỉ số thị trường giảm mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, tuy nhiên số lượng Công ty nhiêm yết (CTNY) vẫn tăng đều đặn hàng năm. Đặc biệt sau khi, SGDCK Hà Nội khai trương vận hành thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCOM) (ngày 24/6/2009), số lượng CTNY, đăng ký giao dịch trên SGDCK tăng lên rất nhanh. Đến nay, con số đã là hơn một nghìn DN. Tính đến cuối năm 2019, TTCK Việt Nam có 1.622 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết/đăng ký giao dịch; trong đó có 750 cổ phiếu, CCQ niêm yết trên cả 2 SGDCK và 872 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên Upcom, vốn hóa trên TTCK Việt Nam đạt khoảng 4.384 nghìn tỷ đồng, tương đương 72,6% GDP năm 2019.
Nhờ vào sự phát triển của TTCK, các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động được lượng vốn lớn qua phát hành cổ phiếu để đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ theo quy định của NHNN trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống các NHTM. Từ năm 2005 đến nay, thông qua TTCK các NHTM đại chúng đã huy động được hơn 252 nghìn tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu, giúp các NHTM tăng tổng vốn điều lệ từ 20,6 nghìn tỷ đồng lên khoảng 272 nghìn tỷ đồng. Thậm chí, trong giai đoạn khó khăn nhất của hệ thống này từ năm 2009 đến 2014, TTCK đã giúp các NHTM huy động được 74 nghìn tỷ đồng. Không chỉ trực tiếp hỗ trợ, làm tăng vốn khả dụng của các NHTM, TTCK còn gián tiếp hỗ trợ cung vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn nguồn vốn từ các NHTM bị hạn chế do quá trình tái cấu trúc các tổ chức này.
Có thể nói, qua 20 năm, dù diễn biến TTCK có lúc thăng, lúc trầm nhưng ngành Chứng khoán Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng chú ý, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nền tài chính, tiền tệ lành mạnh, ổn định, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần bảo vệ và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán.
Cần giải pháp đồng bộ phát triển TTCK trong thời gian tới
Mặc dù TTCK đã có những bước tiến vượt bậc nhưng hiện nay, nguồn vốn ngân hàng vẫn đang là kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp; tính minh bạch, công khai trên thị trường còn tồn tại nhiều vấn đề cần tiếp tục được cải thiện. Các công ty đại chúng vẫn chưa chủ động trong việc công khai hóa các thông tin về tình hình hoạt động, tình hình sử dụng vốn, tình hình quản trị công ty; Công tác triển khai cổ phần hóa, thoái vốn đã được đẩy mạnh, tuy nhiên tỉ lệ sở hữu Nhà nước còn cao, tỷ lệ chào bán ra bên ngoài của DNNN còn thấp, phương thức chưa linh hoạt nên chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư chuyên nghiệp, chưa tạo ra sự thay đổi lớn về quản trị công ty; việc khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do quy trình, thủ tục tham gia đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài còn tương đối phức tạp, chưa thực sự hạn chế rủi ro và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán...
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại của thị trường chứng khoán, một số định hướng, giải pháp phát triển TTCK trong thời gian tới được đề ra, đó là:
Thứ nhất, tạo nguồn cung hàng hóa có chất lượng cao trên thị trường, nâng cao tiêu chuẩn đối với các doanh nghiệp niêm yết, thúc đẩy cổ phần hóa các DNNN và gắn cổ phần hóa với đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK; đồng thời chú trọng phát triển các sản phẩm chứng khoán mới như chứng khoán phái sinh, Chứng quyền, Chứng chỉ quỹ... Đối với thị trường trái phiếu, sẽ đẩy mạnh sự phát triển của thị trường TPCP, đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu; phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường trên thị trường TPCP sơ cấp. Bên cạnh đó, sẽ phát triển thị trường TPDN theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đối với TTCK phái sinh, UBCKNN đã xây dựng lộ trình và dự kiến sẽ sớm đưa thêm nhiều sản phẩm phái sinh vào giao dịch,
Bên cạnh các sản phẩm hợp đồng tương lại (HĐTL) trên các chỉ số mới (ngoài chỉ số VN30) sẽ có thêm các sản phẩm hợp đồng quyền chọn (HĐQC) chỉ số, HĐTL/HĐQC cổ phiếu đơn lẻ; quyền chọn trên HĐTL... Xa hơn nữa có thể nghiên cứu và xin phép Chính phủ được tổ chức giao dịch các sản phẩm HĐTL/HĐQC niêm yết trên các tài sản cơ sở khác ngoài chứng khoán như tỷ giá, lãi suất và hàng hóa...
TTCK sẽ thu hút được nhà đầu tư tham gia thị trường với mục đích đầu tư dài hạn, hạn chế tình trạng tham gia thị trường, đầu cơ kiếm lời ngắn hạn.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của các quỹ đầu tư nhằm thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong và ngoài nước hướng vào TTCK. Như vậy, sẽ hình thành trên TTCK những nhà đầu tư chuyên nghiệp, tạo được dòng vốn lớn và dài hạn chảy trong TTCK, khắc phục tính trạng đầu tư theo tâm lý khi nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao vai trò và hiệu quả quản lý, giám sát TTCK của các cơ quan quản lý nhà nước và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và yêu cầu các thành viên thị trường phải tiếp tục tích cực tự tái cấu trúc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.
Thứ tư, cần triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng frontier market lên hạng emerging market trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE. Nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp trao đổi thông tin, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc xây dựng và thường xuyên cập nhật thông tin trang thông tin bằng tiếng Anh của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch chứng khoán. Khuyến khích các công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Thứ năm, tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp trong phát triển thị trường như phối hợp với các hội nghề nghiệp ban hành các bộ quy chuẩn chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, kiểm tra giám sát việc thực thi các bộ quy chuẩn nhằm nâng cao chất lượng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán; nâng cao vai trò của các hội nghề nghiệp trong việc tuyên truyền, đào tạo chuyên môn và pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Anh Minh