20 năm điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam: Mỗi năm có hơn 10.000 người nhiễm HIV được điều trị ARV​​ 

(ĐCSVN) - Với những nỗ lực từ Chính phủ và hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế, đến hết tháng 9/2019, cả nước đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV cho trên 142.000 người nhiễm HIV, tăng hơn 270 lần so với năm 2005. Trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV.

 

Ngày 4/12 tại Hà Nội, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị 20 năm điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam. Gần 500 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, các cơ sở y tế, tổ chức cộng đồng tại Hà Nội đã tham dự Hội nghị.

Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 12/1990, đến nay, cả nước có 215.661 người nhiễm HIV và 103.616 tử vong do HIV/AIDS. Trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.779 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 2.984 người, số bệnh nhân tử vong 1.428 người. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (39,4%) và 30 - 39 (34,3%).

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ĐT 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, nhằm giảm tác động của dịch HIV/AIDS, ngày 8/5/2000, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1451/2000/QĐ-BYT về việc ban hành: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS làm cơ sở cho việc mở rộng chương trình điều trị bằng thuốc kháng HIV tại Việt Nam sau này.

"Với những nỗ lực từ Chính phủ và hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế, đến hết tháng 9/2019, cả nước đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV cho trên 142.000 người nhiễm HIV, tăng hơn 270 lần so với năm 2005. Trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV. Chất lượng điều trị ARV được cải thiện và nâng cao dần qua các năm. Kết quả xét nghiệm tải lượng HIV trong 3 năm gần đây cho thấy hiệu quả chương trình điều trị được duy trì cao qua các năm. Kết quả 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy 96% người bệnh điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế và gần 95% bệnh nhân có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện", Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chia sẻ.

Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương triển khai thực hiện mục tiêu 90-90-90 từ tháng 10/2014 nhằm hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở dưới ngưỡng ức chế và ổn định. Đến nay, Việt Nam đã đạt được mục tiêu 90% số người được điều trị ARV trước thời hạn.

"Tuy nhiên để đạt được 2 mục tiêu đầu trong thời gian tới, trước mắt chúng ta còn rất nhiều thách thức cần phải vượt qua như: Nhận thức của một bộ phận người dân về lợi ích, hiệu quả điều trị ARV còn hạn chế; tình trạng kỳ thị và tự kỳ thị vẫn là rào cản chính trong việc tiếp cận điều trị sớm; tiếp cận nhóm người nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao còn gặp nhiều khó khăn; thị trường cung ứng thuốc ARV trong nước còn nhỏ bé, khó khăn cho việc cung ứng thuốc liên tục, đặc biệt là đối với thuốc điều trị cho trẻ em, thuốc điều trị bậc 2 và bậc 3; nguồn ngân sách tài trợ quốc tế đang giảm nhanh trong khi chi trả dịch vụ điều trị HIV/AIDS từ nguồn Quỹ bảo hiểm y tế mới được triển khai, cần thêm thời gian để vận hành hoàn thiện", Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh.

Ứng phó với nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm nhanh chóng, đặc biệt là với thuốc điều trị ARV, Việt Nam đã kịp thời chuyển đổi mô hình điều trị ARV từ các chương trình dự án tài trợ sang chi trả qua bảo hiểm y tế.

PSG.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: "Trong tổng số 142.000 bệnh nhân đang điều trị ARV, chúng ta đã chuyển đổi thành công trên 42.000 bệnh nhân chỉ trong có 6 tháng (từ 3-9/2019). Đây là thành công mà nhiều nước trên thế giới muốn tìm hiểu và học tập. Chúng ta sẽ tiếp tục chuyển đổi sang bảo hiểm y tế theo lộ trình cắt giảm của thuốc viện trợ để đảm bảo rằng khi không có thuốc viện trợ, bệnh nhân vẫn tiếp tục được điều trị thuốc ARV đầy đủ và liên tục".

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS trao bằng khen của Bộ Y tế cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: ĐT

Đánh giá cao việc mở rộng điều trị ARV tại Việt Nam, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới Kidong Park cho rằng: "Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương có tốc độ tăng bao phủ đáng kể thuốc ARV. Việt Nam cũng rất tích cực sáng tạo trong việc giúp các bệnh nhân HIV tiếp cận điều trị. Cách tiếp cận theo hướng đưa dịch vụ đến gần dân hơn và giúp người bệnh tiếp cận dễ dàng hơn, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh, đặc biệt là những người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa".

Tuy nhiên, HIV/AIDS vẫn là một vấn đề y tế công cộng quan trọng thể hiện qua con số nhiễm mới HIV phát hiện hàng năm gần 10.000 người, số người tử vong khoảng 2.000 người, đây là một hiểm họa khôn lường, không chỉ liên quan đến sức khỏe, giống nòi mà cả sự ổn định của xã hội nếu không được tiếp tục chú trọng…

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận về các bài học kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV, nhìn nhận các tồn tại và thách thức, trên cơ sở đó xác định các biện pháp để mở rộng tiếp cận, cải thiện chất lượng dịch vụ và đảm bảo sự bền vững của chương trình điều trị HIV/AIDS. Trên cơ sở các hoạt động thực tiễn tại địa phương, đơn vị, các đại biểu đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm đạt được mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030./.

 
288 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 945
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 945
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87144102