Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - Ảnh: VGP/HT
Khi các quốc gia được đánh giá mức độ tín nhiệm cao hơn sẽ tác động tốt tới thu hút đầu tư, bởi lo ngại về khả năng mất vốn ít đi, chi phí vốn giảm, kéo theo huy động các nguồn vốn trực tiếp và gián tiếp từ khu vực bên ngoài được thuận lợi hơn.
Đây là ý kiến của ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) khi trao đổi với báo chí các thông tin liên quan đến việc Moody’s nâng hạng tín nhiệm với Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến hơn 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên toàn thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Ông Trương Hùng Long phân tích, việc nâng hạng tác động tới các khu vực. Với khu vực Nhà nước, việc nâng hạng đồng nghĩa với huy động vốn bên ngoài rẻ hơn, kéo theo các DN huy động rẻ hơn tương ứng theo mức sàn của Chính phủ, tạo điều kiện để hoạt động đầu tư cho nền kinh tế thêm thuận lợi.
Đại diện Bộ Tài chính cho hay, có 2 yếu tố quan trọng trong việc Moody’s nâng hạng Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 .
Thứ nhất là do sức mạnh kinh tế, thể hiện ở khả năng duy trì tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, cũng như khả năng chống chọi của nền kinh tế với các khó khăn thời gian qua tốt hơn các nước đồng hạng.
Thứ hai là Việt Nam đang có được nền tảng tài chính tốt, thực hiện chính sách tài khóa thận trọng, lạm phát được kiểm soát, nợ công quản lý chặt chẽ, tái cơ cấu nợ quả hạn, chi phí đi vay giảm xuống, đang có xu hướng chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước.
Việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm. Từ cuối tháng 3/2022, lãnh đạo Chính phủ đã phê duyệt "Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030". Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia.
Để nâng hạng lên mức Đầu tư, ông Trương Hùng Long nhấn mạnh: Có 2 yếu tố Việt Nam cần tiếp tục cải thiện. Thứ nhất là sức mạnh thể chế và quản trị. Thể chế thì cần đạt hiệu lực hiệu quả thực thi chính sách, còn quản trị phải minh bạch, công bố công khai kịp thời đầy đủ các chỉ số. Thứ hai, với khu vực ngân hàng, phải nâng cao hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ, tăng cường giám sát giảm thiểu rủi ro hệ thống ngân hàng, kiểm soát chất lượng tài sản.
Việt Nam có khu vực doanh nghiệp Nhà nước khá lớn, do đó, việc kiểm soát khu vực này, giảm thiểu nghĩa vụ nợ dự phòng từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đối với nghĩa vụ của ngân sách là điều cần quan tâm trong dài hạn.
"Tôi nghĩ rằng với nền tảng kinh tế như hiện nay, với quyết tâm về chính trị của Đảng, Chính phủ, với các bước đi lộ trình đã được định hình, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu xếp hạng đầu tư, khi đó, lòng tin của các nhà đầu tư tiếp tục cao hơn", ông Trương Hùng Long nói.
Một số mục tiêu của "Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030" của Chính phủ là: Đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody's) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả giai đoạn khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP.
Đề án cũng đặt mục tiêu kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, phấn đấu bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP; nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP...
Huy Thắng