Đại diện các đội tham dự sự kiện nhận bằng khen của Ban Tổ chức (Ảnh: K.D)
Tham dự sự kiện, đồng chí Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ - KHCN) khẳng định, xây dựng thành phố thông minh là chủ đề được nhiều địa phương quan tâm. Đã có những ý kiến về việc cần đặt ra tiêu chuẩn cho thành phố thông minh và điều kiện để được xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có nhận thức chung về thành phố thông minh đươc chia sẻ rộng rãi.
Theo đó, thành phố thông minh là thuật ngữ xuất hiện trong thời đại công nghệ nhằm giải quyết tốt hơn những vấn đề cho người dân ở đô thị, lấy con người làm trung tâm, lấy doanh nghiệp làm động lực chính. Quản lý đô thị, rác thải, năng lượng, đào tạo, y tế,... tất cả những vấn đề của các thành phố sẽ được giải quyết qua mạng internet, sử dụng trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, hệ thống điện thoại di động.
Với cách tiếp cận này, bất kỳ thành phố nào cũng có thể xây dựng thành phố thông minh để giải quyết các thách thức như: giao thông, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” – đồng chí Phạm Hồng Quất nhận định.
Cũng theo diện MBI, trong tháng 7 Ban Tổ chức đã kêu gọi thực hiện giải pháp cho những thách thức đối với việc phát triển thành phố thông minh trong 12 lĩnh vực trọng điểm được xác định bởi chính quyền và ban chỉ đạo thành phố thông minh của các tỉnh, thành tại Việt Nam.
Theo đó, các lĩnh vực được xác định bao gồm: nhà ở giá rẻ; sử dụng năng lượng hiệu quả; quản lý giao thông và bãi đỗ xe thông minh; hút nước, thoát nước và quản lý chất thải; nông nghiệp đô thị; xử lý và cung cấp nước sạch; an ninh công cộng và giám sát thiên tai; du lịch sinh thái và quy hoạch môi trường; y tế, giáo dục; Chính phủ điện tử; cây xanh và không gian công cộng. Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp xây dựng thành phố thông minh đã nhận được 197 đơn đăng ký từ hơn 30 quốc gia trên thế giới. Các đội tham dự cuộc thi được đánh giá bởi những chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan.
Những giải pháp dự thi được đánh giá dựa trên các tiêu chí: tính phù hợp, tác động và khả năng áp dụng tại địa phương, khả năng mở rộng và kế hoạch triển khai, mô hình kinh doanh và kinh nghiệm của đội ngũ.
Kết quả, trong 15 đội dự thi lọt vào vòng thuyết trình có 4 đội của Việt Nam với các giải pháp về Quản lý giao thông và đỗ xe thông minh, Nông nghiệp và đô thị, Y tế. Các đội còn lại đến từ Hoa kỳ, Singapore, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Trung Quốc và Australia.
Các giải pháp trên đều được đánh giá dựa trên sự phù hợp trong việc giải quyết những thách thức đô thị thực sự ở Việt Nam, tiềm năng kinh doanh của công ty, tính độc đáo của ý tưởng và khả năng thực hiện kế hoạch. Ba đội xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp của các thành phố nhằm “nội địa hóa" các giải pháp và tăng khả năng triển khai của các giải pháp này nếu đáp ứng được các yêu cầu nhất định. Quỹ đầu tư mạo hiểm TNB Ventures, đối tác của chương trình Tìm kiếm giải pháp xây dựng thành phố thông minh sẽ xem xét đầu tư cho các công ty tiềm năng.
Kim Dung