105 quốc gia, vùng lãnh thổ dự Đại lễ Phật đản 2019 

(Chinhphu.vn) – Chiều 18/4, tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã họp báo về công tác chuẩn bị Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak 2019) tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam).
Ảnh: VGP/Lê Sơn

Hoà thượng Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổng Thư ký Đại lễ Phật đản Vesak 2019 cho biết: Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc là một trong những hoạt động văn hoá mang tính quốc tế của Liên Hợp Quốc nhằm tôn vinh các giá trị nhân văn, hoà bình của nhân loại.

Đại lễ Phật đản Vesak năm 2019 sẽ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì với sự phối hợp của Uỷ ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc. Đây là lần thứ 3 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ.

Đại lễ diễn ra từ ngày 12-14/5 tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

Đây là lần tổ chức có nhiều nguyên thủ, lãnh đạo chính phủ, tăng vương, tăng thống, lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà nghiên cứu, nhân sĩ trí thức, học giả Phật giáo tham dự.

Theo đó, tham dự Đại lễ Phật đản 2019 có Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng một số nước và khoảng 60 đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Phó Tổng thống Ấn Độ, ngài M. Venkaiah Naidu sẽ là diễn giả chính của Đại lễ.

Đồng thời, sẽ có khoảng 1.500 đại biểu quốc tế, 15.000-20.000 đại biểu trong nước với khoảng 398 bài tham luận bằng tiếng Anh, 110 tham luận bằng tiếng Việt.

Về phía chủ nhà Việt Nam, tham dự Đại lễ dự kiến sẽ có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các Ban và bộ ngành Trung ương.

Phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Pháp chủ, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, lãnh đạo Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự, lãnh đạo các Ban Trị sự Giáo hội của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, các tăng ni tiêu biểu.

Tại Đại lễ Phật đản lần này cũng diễn ra các hoạt động văn hoá như Lễ tắm phật truyền thống; Đàn lễ cầu nguyện âm siêu dương thái, quốc thái dân an, đất nước hội nhập phát triển theo nghi lễ ba miền Bắc, Trung, Nam; đêm hoa đăng cầu nguyện hoà bình thế giới; các triển lãm ảnh chùa di sản thế giới và Việt Nam, triển lãm cổ vật Phật giáo tại Điện Tam thế và toà Hội thảo quốc tế; đêm giao lưu nghệ thuật Phật giáo quốc tế (phát sóng trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam).

Bên cạnh đó, Ban tổ chức sẽ tổ chức các tour du lịch văn hoá và lịch sử với 3 tour miễn phí cho các đại biểu quốc tế, gồm: Tràng An – Bái Đính; Yên Tử và Fansipan Sa Pa. Ngoài ra, còn có tour trả phí theo yêu cầu của đại biểu quốc tế.

Lê Sơn

285 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1184
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1184
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87113524