Ảnh minh họa: baodauthau.vn
Chương trình Phát triển và Phổ cập lĩnh vực tài chính biểu hiện cho mối quan hệ đối tác từ trung tới dài hạn về phát triển lĩnh vực tài chính giữa ADB và Chính phủ Việt Nam. Chương trình này nhất quán với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011—2020 của Chính phủ và Chiến lược 2030 của ADB trong việc giải quyết tình trạng nghèo khổ còn tồn tại và bất bình đẳng trong thu nhập.
“Hiệu quả phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây là rất ấn tượng, nhưng cải cách vẫn chưa triệt để, đặc biệt liên quan tới lĩnh vực tài chính. Bên cạnh đó, tính phổ cập tài chính hạn chế có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng và tác động tới tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn”, bà Dương Nguyễn, Chuyên gia tài chính của ADB nhận định. “Chương trình này sẽ hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ để củng cố sự ổn định tài chính, phát triển các thị trường vốn trong nước, và tăng cường tính phổ cập tài chính.”
Chương trình này hỗ trợ một số cải cách của chính phủ nhằm củng cố, làm sâu sắc thêm, và mở rộng phạm vi khu vực tài chính chính thống của Việt Nam. Những cải cách này bao gồm việc cải thiện khung pháp lý và các qui định để giải quyết các khoản nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thị trường tiền tệ và thị trường trái phiếu chính phủ, cũng như các biện pháp chính sách để áp dụng cách tiếp cận dựa trên thị trường đối với phổ cập tài chính thông qua tài chính vi mô và công nghệ tài chính.
Được thành lập năm 1966, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực. Trong năm 2017, tổng vốn hỗ trợ của ADB đạt 32,2 tỷ USD, bao gồm 11,9 tỷ USD đồng tài trợ./.
Mạnh Hùng