Gần cuối năm mới đạt 62,9% kế hoạch
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10 ước tính đạt 37 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 260,4 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2% kế hoạch năm và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 70,3% và tăng 12,1%).
Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 36,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61,3% kế hoạch năm và giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bộ Giao thông vận tải đạt 9.739 tỷ đồng, bằng 55,1% và giảm 31,9%; Bộ Y tế là 2.976 tỷ đồng, bằng 56,3% và tăng 40,2%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 2.229 tỷ đồng, bằng 65,6% và giảm 56,0%; Bộ Giáo dục và Đào tạo là 851 tỷ đồng, bằng 57,6% và tăng 7,7%...
Vốn địa phương quản lý đạt 223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 70,6% kế hoạch năm và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2019 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội đạt 34,8 nghìn tỷ đồng, bằng 70,3% kế hoạch năm và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước; TPHCM đạt 16,7 nghìn tỷ đồng, bằng 45,4% và giảm 11,2%; Quảng Ninh đạt 8.377 tỷ đồng, bằng 72,5% và tăng 8,9%...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15/10, Bộ Tài chính định kỳ công khai số liệu các bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu 3 bộ, ngành chủ quản và 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số giải ngân thấp nhất phải có giải trình lý do và đề xuất biện pháp thúc đẩy giải ngân.
Các báo cáo giải ngân 15 ngày cuối tháng sẽ được Bộ Tài chính tổng hợp kèm theo đánh giá và phân tích một số trường hợp điển hình giải ngân kém, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.
Vốn FDI thực hiện ở mức cao trong nhiều năm gần đây
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến thời điểm 20/10/2019 thu hút 3.094 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt hơn 12,8 tỷ USD, tăng 25,9% về số dự án và giảm 14,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, có 1.145 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư so với số vốn tăng thêm đạt hơn 5,4 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 10 tháng năm nay đạt hơn 18,3 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 16,2 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giữ đà phát triển với số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện các năm 2015-2019 lần lượt là: 11,8 tỷ USD; 12,7 tỷ USD; 14,2 tỷ USD; 15,1 tỷ USD; 16,2 tỷ USD.
Trong 10 tháng năm 2019 còn có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 10,8 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 1.673 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là hơn 6,5 tỷ USD và 5.836 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị gần 4,3 tỷ USD.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt hơn 9,1 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 10%; các ngành còn lại đạt hơn 2,4 tỷ USD, chiếm 18,8%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 10 tháng đạt hơn 13,8 tỷ USD, chiếm 75,8% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 6,7%; các ngành còn lại đạt hơn 3,19 tỷ USD, chiếm 17,5%...
Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 2,7 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc hơn 2,1 tỷ USD, chiếm 16,5%; Singapore là hơn 1,8 tỷ USD, chiếm 14,3%...
Đầu tư của Việt nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm nay có 128 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 311,9 triệu USD; có 28 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 100 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 10 tháng năm 2019 đạt 411,9 triệu USD…
Huy Thắng