1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp
|
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta đã thành công rất tốt đẹp (Ảnh: MH) |
Diễn ra từ ngày 25/1 đến 1/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, để lại dấu ấn đậm nét về một Đại hội “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm 200 đồng chí, trong đó có 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã bầu Bộ Chính trị gồm 18 đồng chí. Với sự thống nhất rất cao, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ban Bí thư Trung ương khóa XIII gồm một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 5 đồng chí được bầu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII gồm 19 đồng chí; đồng chí Trần Cẩm Tú tiếp tục được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII. Phát biểu bế mạc Đại hội Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta đã thành công rất tốt đẹp!”.
Đại hội đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong 5 năm tới, đó là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đề ra phương hướng đến năm 2030, kỷ niệm 100 thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đại hội khẳng định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp, càng nhân lên niềm tự hào và tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh, bản lĩnh và ý chí của toàn Đảng, toàn dân tộc vào tương lai tươi sáng của đất nước.
2. Tổ chức thành công Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
|
Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công tốt đẹp (Ảnh: TL) |
Ngày 23/5/2021 ghi một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Trên 69 triệu cử tri đã thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng, bỏ phiếu bầu ra 499 đại biểu Quốc hội khóa XV; 3.721 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 22.550 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 239.788 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, nhiệm kỳ 2021-2026.
Kết quả ấy có được là sự nỗ lực, cố gắng của cả dân tộc. Những đại biểu đại diện cho người dân tham gia vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có trọng trách rất quan trọng để góp phần hiện thực hóa khát vọng bứt phá vươn lên của cả dân tộc, đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Thành công của cuộc bầu cử thể hiện niềm tin và sự mong đợi mà cử tri gửi trọn vào những đại biểu của mình. Nhân dân tin tưởng và kỳ vọng rằng, những đại biểu trúng cử sẽ nhận thức rõ và không ngừng nỗ lực hoàn thành tốt trọng trách trước cử tri, nhân dân, góp phần đưa đất nước bước vào giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
3. Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) 2020-2021
|
Ngày 28/9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 73 (Ảnh: TTXVN) |
Trong hai năm qua tại HĐBA LHQ, Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp cho công việc chung của cộng đồng quốc tế, thể hiện sinh động hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, yêu chuộng hòa bình, tích cực và trách nhiệm, có năng lực, bản lĩnh và bản sắc đối ngoại theo phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, qua đó tạo thêm giá trị, nền tảng lâu dài cho việc hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Vai trò là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 là dấu ấn quan trọng và bước đi cụ thể nhằm tiếp tục triển khai chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và LHQ” của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Việc đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ lần thứ hai đánh dấu tầm cao mới trong quan hệ Việt Nam và Liên hợp quốc, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương dựa trên luật pháp quốc tế với LHQ đóng vai trò trung tâm.
Thông qua việc tham gia HĐBA, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trong hệ thống quản trị toàn cầu khi HĐBA là cơ quan có trách nhiệm hàng đầu của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế.
Việt Nam đã có đóng góp thực chất vào công việc của HĐBA, xử lý khéo léo, thỏa đáng nhiều vấn đề hoà bình, an ninh quốc tế hệ trọng và phức tạp, trên cơ sở bảo đảm tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế; tích cực đóng góp, đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực nhằm giải quyết hoà bình các xung đột, tranh chấp, phấn đấu thể hiện vai trò trung gian, cầu nối trên một số vấn đề khó, được LHQ và tất cả các nước, kể cả các nước lớn, bày tỏ coi trọng và đánh giá cao.
Nâng cao năng lực, tích lũy kinh nghiệm trong tham gia xử lý các vấn đề quốc tế lớn; kết nối sâu rộng với mạng lưới hoạch định chính sách toàn cầu.
Quá trình tham gia HĐBA LHQ tạo niềm tin và động lực cho quần chúng, Đảng viên về thế và lực mới của đất nước, vai trò, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, nỗ lực đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước.
4. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn đảng tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện
|
Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn đảng tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện (Ảnh: pano cổ động) |
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII ban hành Kết luận số 21-KL/TW trong đó gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị; bổ sung thêm những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bộ Chính trị thống nhất bổ sung thêm nội dung “tiêu cực”, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trở thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành 3 văn bản quan trọng liên quan đến công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng với nhiều điểm mới nổi bật.
Kết luận số 21-KL/TW, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị” và Quy định số 37-QĐ/TW “về những điều đảng viên không được làm” đều có nhiều điểm mới, bổ sung về phạm vi, mục tiêu, giải pháp…
Kết luận số 14-KL/TW về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và Quy định số 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, hai văn bản có các quy định lần đầu ban hành.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, thật sự là đạo đức, là văn minh, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc.
5. Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 nối tiếp mạch nguồn “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”
|
Chương trình nghệ thuật “Niềm tin và khát vọng” chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc (Ảnh: Báo văn hóa) |
Sau 75 năm, kế thừa những tinh hoa đã đúc rút được từ hai Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, 1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 (diễn ra vào ngày 24/11/2021) được kỳ vọng nối tiếp mạch nguồn “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đặt văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội. Hội nghị Văn hóa toàn quốc là nền tảng đưa nước ta mở ra một thời kỳ phát triển mới, với một ý chí độc lập tự cường của nhân dân ta, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã chỉ rõ: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Liên quan đến lĩnh vực văn hóa, ngày 15/12/2021, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đó, ngày 23/11, Đại hội đồng UNESCO đã quyết định vinh danh và cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương vào năm 2022.
6. Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế
|
Trong năm 2021, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò chủ lực (Ảnh: tapchitaichinh.vn) |
Năm 2021 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn mà tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 khiến kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, phá sản khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Vượt qua những khó khăn đó, Việt Nam đã sử dụng và khá đồng bộ các chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác. Quốc hội cũng ban hành nhiều Nghị quyết về tài chính ngân sách, đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế. Chính phủ xây dựng chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội theo phương châm thích ứng an toàn và linh hoạt; xây dựng chiến lược phòng chống dịch COVID-19.
Nhờ đó, Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế với GDP tăng trên 2%; năm 2021, dự báo vượt mốc 660 tỷ USD, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 29 tỷ USD, tăng hơn 0,5 tỷ USD so với năm 2020.... Cùng với WTO, 17 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực và đang đàm phán đã đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở tới 200% GDP.
Đây là kết quả nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế trong triển khai những quyết sách quan trọng thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
7. Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19
|
Kết thúc năm 2021, Việt Nam cơ bản hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm mũi 1 cho người từ 12-18 tuổi (Ảnh: VNVC) |
Đợt dịch COVID-19 thứ 4 (chủ yếu là do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2) bùng phát với tốc độ lây lan nhanh đã gây hậu quả nặng nề, cả về tính mạng của người dân và kinh tế xã hội cho các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Gần 30.000 người tử vong, 346.000 tỷ đồng thiệt hại về kinh tế là những hậu quả tàn khốc mà đại dịch COVID-19 gây ra cho đất nước ra. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp kiên quyết, tổng lực, đến nay, dịch bệnh COVID-19 tuy vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng đã được kiểm soát.
Kể từ đầu dịch đến 25/12/2021, Việt Nam có 1.636.455 ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (nếu tính tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ). Tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.229.684 ca; tổng số ca tử vong là 31.007 ca. Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 144.513.779 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.881.418 liều, tiêm mũi 2 là 65.354.960 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3) là 2.277.401 liều.
Chính phủ quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Một chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động. Cùng với đó là chiến lược “ngoại giao vaccine” được thực hiện nhanh chóng, Việt Nam đã tiếp nhận gần 170 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Kết thúc năm 2021, Việt Nam cơ bản hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm mũi 1 cho người từ 12-18 tuổi.
Đảng, Nhà nước đã chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch từ “không ca mắc” sang thực hiện mục tiêu kép. Việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân, đã giúp kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế - xã hội, từng bước ổn định đời sống người dân.
8. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào hoạt động
|
Năm 2021, Bộ Công an vận hành chính thức hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Ảnh: Bộ Công an) |
Ngày 22/6/2021, là dấu mốc lịch sử của chiến dịch thần tốc, quyết liệt và hiệu quả khi Bộ Công an công bố vận hành chính thức hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân từ ngày 01/7/2021. Kết quả đó được hun đúc từ sự chỉ đạo quyết liệt, sự nhận thức đúng đắn, sự đột phá, sự tính toán thấu đáo các nguồn lực, sức mạnh và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết.
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào hoạt động, là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số. Cùng với việc hoàn thành mục tiêu cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, lần đầu tiên thông tin cơ bản về công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa và đưa vào hệ thống liên thông phục vụ quản lý nhà nước, cũng như giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo hướng hiện đại, tiện ích và tiết kiệm.
9. Đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng phức tạp
|
Xét xử bị cáo Vũ Huy Hoàng cùng 9 đồng phạm, liên quan vụ chuyển đổi "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng (tháng 4/2021) (Ảnh: TL)
|
Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, song các vụ án kinh tế, tham nhũng vẫn được các cấp tòa án giải quyết trong hạn luật định; xử phạt nghiêm khắc đối với những người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra, xử lý kỷ luật và kiến nghị, yêu cầu xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý liên quan đến các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (trong đó có 03 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 thứ trưởng, 1 nguyên Chủ tịch tỉnh, 1 nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.130 vụ/4.084 bị can, truy tố 2.024 vụ/4.056 bị can, xét xử sơ thẩm 1.898 vụ/3.471 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó, tội phạm tham nhũng đã khởi tố, điều tra 266 vụ/646 bị can; truy tố 250 vụ/643 bị can; xét xử sơ thẩm 214 vụ/525 bị cáo.
Các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 8 vụ án/38 bị can, khởi tố thêm 78 bị can trong 14 vụ án; kết thúc điều tra 13 vụ án/123 bị can, kết luận điều tra bổ sung 04 vụ/52 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án/151 bị can, xét xử sơ thẩm 15 vụ án/86 bị cáo, xét xử phúc thẩm 9 vụ án/40 bị cáo.
Các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; các vụ án vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh... Đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, lợi dụng dịch COVID-19 để trục lợi và sai phạm trong lực lượng chống tham nhũng.
10. Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI, nhiệm kỳ 2020-2025 thành công tốt đẹp
|
Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 52 thành viên |
Với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và Nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X Lê Quốc Minh, tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI với số phiếu đạt 100%.
Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi và Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh Trần Trọng Dũng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI. Đại hội cũng đã bầu Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 52 thành viên; Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam gồm 15 thành viên và Ban Thường vụ Hội Nhà báo gồm 12 thành viên./.