10 năm thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW, ngày 3/9/2008, của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện – suy nghĩ của những người trong cuộc 

Trong điều kiện bùng nổ thông tin với sự phát triển của mạng xã hội và những hệ lụy đi kèm như hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên ở sở sở nói riêng cần được bồi đắp nhiều hơn các kiến thức về chủ nghĩa Mác- Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường cách mạng trước những thông tin xấu độc do mạng xã hội mang lại.

Với chức năng là đơn vị đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở, các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (sau đây viết tắt là TT BDCT cấp huyện) đã và đang giữ vai trò rất quan trọng trong việc góp phần củng cố, bồi đắp, các kiến thức nhằm giữ vững lập trường tư tưởng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, đồng thời nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của công tác lãnh đạo, quản lý và nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở.

Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của các TT BDCT cấp huyện, ngày 3/9/2008  Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 185-QĐ/TW (sau đây viết tắt là Quyết định 185) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của TT BDCT cấp huyện, nhằm xác định rõ hơn vị trí, chức năng, vai trò, nhiệm vụ của các TT BDCT cấp huyện. Thực hiện Quyết định này, đến nay, sau 10 năm, hoạt động của các Trung tâm BDCT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, giữ vững ổn định chính trị và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương cũng như toàn tỉnh.

Tỉnh Quảng Trị hiện có tất cả 9 Trung tâm BDCT cấp huyện, hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện. Thực hiện Quyết định 185 của Ban Bí thư, những năm qua, công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn được các Trung tâm thực hiện có hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra; công tác tổ chức, quản lý lớp nghiêm túc, khoa học; nội dung chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng ngày càng phù hợp với yêu cầu của người học; quá trình giảng dạy, các giảng viên đã kịp thời cập nhật những kiến thức mới vào bài giảng, đảm bảo tính thông tin, định hướng kịp thời về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị. Học viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức, tiếp thu tốt kiến thức bài giảng và vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn công tác, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương. Công tác quản lý lớp học tại các Trung tâm ngày càng chặt chẽ và đi vào nền nếp; việc phối hợp với các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ ngày càng hiệu quả.

Từ năm 2008 đến nay, các Trung tâm BDCT cấp huyện đã trực tiếp tổ chức và phối hợp tổ chức mở được 1.706 lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác cho hơn 2.500.000 học viên, cụ thể như sau: 410 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng với 571.150 học viên; 210 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho Đảng viên mới với 16.443 học viên; 355 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội với 33.458 học viên; 103 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho đối tượng 4 với: 7.798 học viên; 60 lớp về các chương trình bồi dưỡng chuyên đề với 5.300 học viên; 79 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cấp thôn, bản, khu phố với 7.106 học viên; 277 lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, tuyên giáo, kiểm tra giám sát, dân vận, tư pháp, báo cáo viên, đại biểu HĐND… với 25.448 học viên; 6 lớp quản lý nhà nước với 578 học viên; 10 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ đối tượng 5 với 918 học viên; 67 lớp Sơ cấp LLCT và bồi dưỡng hoàn thành chương trình sơ cấp LLCT với 5.165 học viên; 93 lớp học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, thông tin thời sự… với 14.262 học viên. Ngoài ra, thực hiện Hướng dẫn số 65-HD/BTGTW về thực hiện sơ cấp lý luận chính trị, các trung tâm BDCT cấp huyện đã thực hiện tốt việc xác nhận trình độ tương đương sơ cấp LLCT cho hơn 2.118 đối tượng trên địa bàn toàn tỉnh.

Không chỉ chú trọng đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ, Trung tâm BDCT còn chủ động liên kết với các trường đại học, trường chính trị tỉnh tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị với tổng số 36 lớp cho 2551 học viên, điều này hết sức có ý nghĩa đối với cán bộ cơ sở, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Cùng với việc thực hiện khá tốt các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương, các Trung tâm đã có những bước trưởng thành về mọi mặt. Trong đó, đội ngũ cán bộ ngày càng kiện toàn; cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động ngày càng tăng cường, nhất là từ sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án về phát triển các Trung tâm BDCT cấp huyện giai đoạn 2013-2020, nhiều trung tâm được xây mới và mới và trang bị các phương tiện hiện đại như màn hình, máy chiếu, hệ thống âm thanh, máy tính…phục vục công tác giảng dạy và học tập; mối quan hệ và sự phối hợp giữa trung tâm với các ban ngành, đoàn thể ngày càng đi vào nền nếp. Từ đó, góp phần tạo ra phong trào học tập chính trị trong cán bộ, đảng viên và quần chúng ở cơ sở.

Phải khẳng định rằng, qua 10 năm thực hiện quyết định 185 của Ban Bí thư, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã thực sự khẳng định được vị trí, vai trò của mình, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các trung tâm bồi dưỡng chính trị trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, bất cập. Trải qua hơn 20 năm thành lập, tuy nhiên đến nay, vị trí pháp lý của các trung tâm BDCT cấp huyện vẫn chưa được làm rõ, hiện nay các trung tâm được ví như “con 2 cha”. Về chức năng nhiệm vụ, trung tâm đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy, thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - một nhiệm vụ trọng yếu của Đảng. Thế nhưng, về tư cách pháp nhân, trung tâm lại thuộc sự quản lý trực tiếp của UBND cấp huyện. Những bất cập này dẫn đến những chồng chéo, mâu thuẩn về cơ chế hoạt động, về xác định cơ quan chủ quản, về chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên tại các trung tâm, về sử dụng con dấu và thể thức văn bản…

Trung tâm BDCT cấp huyện là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên ở cơ sở, một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng, tuy nhiên, cho đến nay các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chưa có những quy định thống nhất của Nhà nước, mà chủ yếu thông qua các hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, văn bản liên ban giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương. Vì thế, trong thực tế còn những vấn đề chưa đạt được sự thống nhất chung. Từ các cuộc giao ban của Ban Tuyên giáo Trung ương về hoạt động của các TTBDCT cấp huyện cho thấy, mỗi địa phương lại có sự quan tâm, vận dụng khác nhau, điều này gây nhiều sự bất cập không nhất quán.

Bên cạnh đó nội dung của chương trình học cũng còn nhiều bất cập. Nhiều chương trình nặng về lý luận, phần ứng dụng thực tế còn ít, thời gian bố trí cho một số chương trình chưa hợp lý, nhất là chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho các đoàn thể chính trị - xã hội. Một số chương trình bồi dưỡng do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn nội dung đã cũ, nhưng chưa được bổ sung kịp thời (Hướng dẫn số 82- HD/BTGTW, ngày 12/6/2013 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “xây dựng nội dung và thực hiện chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên các cấp” hiện nay đã cũ và quy định chỉ sử dụng trong giai đoạn 2013-2015, tuy nhiên hiện nay Ban Tuyên giáo Trung ương vẫn chưa có Hướng dẫn nào thay thế). Việc nội dung chương trình, giáo trình chậm đổi mới, không bắt kịp chủ trương của Đảng cũng đã tác động lớn đến chất lượng giảng dạy. Điều này bắt buộc giảng viên phải tự trang bị, bổ sung nội dung mới vào thiết kế bài giảng nhằm chuyển tải đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.

Một khó khăn lớn nữa đó là việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học, Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1022 về Đề án phát triển trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, một số trung tâm đã được xây mới và mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại, tuy nhiên, do điều kiện kinh tế xã hội địa phương còn nhiều khó khăn, nên việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các trung tâm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học, nhiều trung tâm trụ sở bị xuống cấp trầm trọng, một số trung tâm không có trụ sở chính mà phải mượn trụ sở của những cơ quan khác nên rất bị động trong công tác tổ chưc mở lớp. Nhiều trung tâm có nhu cầu nâng cấp, cải tạo, xây mới các công trình như nhà để xe, tường rào, cổng, sân, nhà nghỉ cho giáo viên, học viên, bếp ăn, phòng đọc, phòng lưu trữ, hội trường, bàn ghế phục vụ giảng dạy, làm việc…nhưng chưa được đáp ứng.

Sự phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng kế hoạch mở lớp và trong công tác chiêu sinh thiếu chặt chẽ nên hầu hết trung tâm chưa chủ động được thời gian mở lớp, việc cử cán bộ đi học ở một số cơ quan, đơn vị còn chồng chéo, bất cập, công tác tổ chức và duy trì sỹ số lớp học gặp rất nhiều khó khăn, chế tài xử lý đối với người học không chấp hành chế độ học tập tại trung tâm chưa được quy định đầy đủ, thống nhất, gây khó khăn trong quản lý học viên, dẫn đến tình trạng số học viên tham gia lớp trên thực tế vẫn ít hơn số đăng ký là rất phổ biến… tất cả vấn đề trên là những khó khăn lớn trong quá trình hoạt động của các trung tâm BDCT cấp huyện.

Trình độ lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên kiêm chức tại các trung tâm vẫn chưa đáp ứng. Theo Quyết định 1853, ngày 4/2/2010 của Ban Tuyên giáo T.Ư về ban hành quy chế giảng dạy, học tập của trung tâm BDCT, cán bộ, giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức phải có trình độ lý luận chính trị cao cấp. Song, trong tổng số 9 trung tâm, chỉ có 7 trung tâm đội ngũ giảng viên chuyên trách đáp ứng được về trình độ lý luận chính trị; số còn lại chưa đạt. Mặc dù vậy, những năm qua, đội ngũ giảng viên này vẫn phải “bám lớp” để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch của trung tâm.

Kinh phí hoạt động và chế độ bồi dưỡng cho học viên, thù lao cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên của các trung tâm còn chưa phù hợp. Học viên theo học ở trung tâm không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng mức 50.000 đồng/ngày/người; thù lao giảng viên kiêm chức, báo cáo viên chỉ 200 - 300 nghìn đồng/buổi là khá thấp so với điều kiện chung hiện nay. Cũng do vướng mắc về cơ chế tài chính nên các trung tâm khó mời báo cáo viên, giảng viên chất lượng cao về báo cáo tại các lớp chuyên đề, thông tin thời sự. Điều này khiến nhu cầu cập nhật thông tin thời sự, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay chưa được đáp ứng. Đây là những vấn đề cấp bách đòi hỏi các cấp, ngành phải cùng vào cuộc, bởi nhiệm vụ của công tác tư tưởng trong thời gian sắp tới là rất nặng nề, đặc biệt đối với việc nâng cao chất lượng giảng dạy và đội ngũ giảng viên của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Bên cạnh cơ chế tài chính, thì chế độ lương và phụ cấp là nỗi trăn trở “thường trực” của đội ngũ cán bộ, giảng viên làm việc tại các trung tâm. Theo quy định, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy và UBND cấp huyện, do đó cán bộ, viên chức của trung tâm không được hưởng phụ cấp công vụ (25%) và cũng không được hưởng phụ cấp cho cán bộ, công chức khối đảng (30%). Nếu giảng viên chuyên trách, lãnh đạo cơ quan còn có 30% phụ cấp đứng lớp, thì những cán bộ thuần túy chuyên môn như kế toán, giáo vụ chỉ hoàn toàn dựa vào thu nhập từ lương, ngoài ra không có khoản phụ cấp nào, đây là một thiệt thòi rất lớn đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên ở các trung tâm.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế bất cập, để các trung tâm BDCT cấp huyện thực sự là đơn vị giữ vai trò quan trọng trong truyền bá và giữ vững nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng; trang bị kỹ năng hoạt động cơ bản cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở, từ thực tiễn hoạt động của các trung tâm BDCT cấp huyện và việc tổng kết 10 năm Quyết định 185-QĐ/TW của Ban Bí thư, rất cần các cơ quan hữu quan có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ một số vấn đề rất cơ bản liên quan đến TTBDCT cấp huyện như sau:

Một là, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương sớm tổng kết, đánh giá và sửa đổi, bổ sung Quyết định số 185-QĐ/TW của Ban Bí thư theo hướng chỉ có một đơn vị chủ quản không nên vừa trực thuộc huyện ủy, vừa trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện như hiện nay, để công tác lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, bảo đảm tính thống nhất về cơ chế hoạt động; chế độ, chính sách đối với cán bộ công tác tại trung tâm, cũng như học viên học tập tại trung tâm...

Hai là, cần thống nhất về tài liệu, giáo trình giảng dạy tại TTBDCT cấp huyện. Từ trước tới nay, TTBDCT cấp huyện sử dụng tài liệu, giáo trình do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, chứ không phải tài liệu, giáo trình do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn như ở trường chính trị tỉnh. Cân nhắc và tính đến tính thống nhất của tài liệu, giáo trình học tập lý luận chính trị để bảo đảm sự nhất quán trong phân tích, giải thích, truyền bá kiến thức lý luận trong cả hệ thống các trường chính trị từ Trung ương đến cấp huyện.

Ba là, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương kịp thời bổ sung tài liệu học tập gắn với các quan điểm, nội dung mới của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cho khối Mặt trận và các đoàn thể (hiện nay các tài liệu đang sử dụng đều theo hướng dẫn cũ của năm 2011).

Bốn là, việc cấp giấy chứng nhận sau khi học viên học xong các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại TTBDCT cấp huyện và giá trị của các giấy chứng nhận đó như thế nào cần bảo đảm sự thống nhất chung. Vừa qua, có tình trạng Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương cùng đưa ra mẫu giấy chứng nhận hoàn thành lớp lý luận cơ sở dành cho đảng viên mới dẫn đến việc vừa chồng chéo, vừa không thống nhất. Hoặc Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành văn bản quy định việc học chính trị phải từ thấp đến cao. Tức là phải học xong sơ cấp chính trị mới được học trung cấp chính trị, học xong trung cấp chính trị mới được học cao cấp chính trị, nhưng trên thực tế một số văn bản lại chưa thống nhất việc quy định này, nên trong thực tế bằng sơ cấp lý luận chính trị chưa thực sự có giá trị ràng buộc đảng viên phải học tập.

Năm là, việc đào tạo, bố trí, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại TTBDCT cấp huyện cần hợp lý hơn. Hiện nay các TTBDCT cấp huyện có số lượng giảng viên chuyên trách rất hạn chế, chỉ từ 2-3 giảng viên, bao gồm cả giám đốc, phó giám đốc trung tâm, còn lại chủ yếu sử dụng giảng viên kiêm chức. Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, từ năm 2018 thống nhất bố trí đồng chí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc TTBDCT cấp huyện. Theo đó, số giảng viên chuyên trách sẽ tiếp tục giảm đi. Vấn đề đặt ra là bố trí, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đội ngũ giảng viên như thế nào, trong đó chủ yếu là giảng viên kiêm chức cho phù hợp để duy trì hoạt động thường xuyên và nâng cao chất lượng giảng dạy của TTBDCT cấp huyện.

Sáu là, tiếp tục xác định rõ vị trí, vai trò của TTBDCT cấp huyện, coi đó là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Theo đó có quy định thống nhất đưa các loại hình lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ xã, thôn, tổ dân phố về TTBDCT cấp huyện. Khắc phục tình trạng ngành nào có dự án tự mở lớp tập huấn, dẫn đến hiện tượng cũng là cán bộ xã, thôn nhưng đi dự các lớp tập huấn theo dự án thì chế độ đãi ngộ cao, còn đi dự các lớp bồi dưỡng ở TTBDCT thì chế độ thấp, tạo ra sự mất công bằng không cần thiết.

Bảy là, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương hàng năm nên tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để cập nhật những kiến thức mới cho đội ngũ giảng viên chuyên trách và kiêm chức của các trung tâm phục vụ công tác giảng dạy.

Tám là, đối với việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc đối tượng 5 (cán bộ, dảng viên ở cơ sở), đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương có hướng dẫn thay thể Hướng dẫn số 82- HD/BTGTW, ngày 12/6/2013 của Ban Tuyên giáo Trung ương, vì hướng dẫn này hiện nay đã cũ và quy định chỉ sử dụng trong giai đoạn 2013-2015. Châu Minh

2315 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1360
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1360
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87171654