01 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực 

Sau khi Chỉ thị số 27-CT/TW được ban hành, công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn quan tâm hơn; đã tổ chức phổ biến, quán triệt và ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo.

Theo đó, đã xác định bảo vệ người tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc phạm vi phụ trách được nâng lên. Hệ thống các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến bảo vệ người tố cáo ngày càng được hoàn thiện. Công tác phối hợp để bảo vệ người tố cáo được các cơ quan chức năng chú trọng hơn. Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi trả thù, trù dập người tố cáo được tăng cường. Kết quả công tác đấu tranh với các biểu hiện bao che, hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và những hành vi vu khống, tố cáo sai sự thật đã góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Năm 2019, theo tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh ủy, thành ủy và 53 đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban của Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, trong số đơn, thư khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, số người yêu cầu được bảo vệ và số người được cơ quan chức năng áp dụng biện pháp bảo vệ không nhiều; số người bị trả thù, trù dập và số người bị xử lý do hành vi trả thù, trù dập, do thiếu trách nhiệm để người tố cáo bị trả thù, trù dập không lớn. Cụ thể, số đơn, thư tố cáo, phản ánh, tố giác liên quan đến hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là 5.555 đơn. Trong đó, số người yêu cầu được bảo vệ là 90 trường hợp; số người được cơ quan chức năng áp dụng biện pháp bảo vệ là 104 trường hợp; số người tố cáo, phản ánh, tố giác hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực bị trả thù, trù dập là 03; số người bị xử lý do hành vi trả thù, trù dập là 01; số người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền bị xử lý do buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không làm hết thẩm quyền để xảy ra tình trạng người tố cáo, phản ánh, tố giác bị trả thù, trù dập là 01.

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về bảo vệ tố cáo được các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn quan tâm hơn; đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; lồng ghép nội dung kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác bảo vệ người tố cáo trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát tuy chưa phát hiện được và chưa xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, cũng như cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo, nhưng đã kịp thời chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân (đối tượng được kiểm tra, thanh tra, giám sát) trong công tác bảo vệ người tố cáo.

Các báo, đài phát thanh - truyền hình của Trung ương và địa phương, cùng với việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, còn tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện bao che hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, kịp thời thông tin, lên án những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo; phê phán những hành vi vu khống, tố cáo sai sự thật. Không ít vụ việc có dấu hiệu trả thù, trù dập người tố cáo đã được các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời phản ánh, qua đó góp phần thúc đẩy, tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng để xử lý, giải quyết và khi cần thiết kịp thời áp dụng biện pháp nghiệp vụ phù hợp để bảo vệ người tố cáo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị vẫn còn có những hạn chế, yếu kém: Việc tổ chức quán triệt, triển khai, ngoài việc tổ chức hội nghị phổ biến lồng ghép, nhiều cơ quan, đơn vị chỉ sao gửi văn bản nên hiệu quả còn hạn chế. Một số nhiệm vụ Bộ Chính trị giao cho cơ quan chức năng chậm được triển khai thực hiện; pháp luật về bảo vệ người tố cáo được quy định tại nhiều văn bản (Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự…) nhưng còn thiếu đồng bộ, một số quy định còn thiếu cụ thể, chậm được hướng dẫn chi tiết; quy định về nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo giữa các cơ quan chức năng chưa rõ ràng, cụ thể, nên khi triển khai thực hiện gặp một số khó khăn, còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm.

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chưa sát với tình hình thực tiễn, nhất là ở cơ quan được giao nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo; việc xây dựng quy chế phối hợp và công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong bảo vệ người tố cáo còn thiếu kịp thời, chặt chẽ. Nhiều nơi mới chú trọng áp dụng các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo, chưa thực hiện các biện pháp bảo vệ đặc biệt; vẫn còn tình trạng để lộ lọt thông tin người tố cáo, có trường hợp người tố cáo chưa được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, số liệu báo cáo kết quả bảo vệ người tố cáo chưa phản ánh đúng tình trạng bảo vệ người tố cáo hiện nay.

Việc động viên, khen thưởng người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm kịp thời, chưa động viên, khích lệ được người dân, cán bộ, công chức tham gia tích cực trong đấu tranh với hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ người tố cáo có nơi hiệu quả chưa cao; thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề về nội dung này còn ít, chủ yếu lồng ghép với các nội dung thanh tra, kiểm tra, giám sát khác; hình thức kiểm tra, giám sát chủ yếu là thẩm tra báo cáo của các cơ quan được kiểm tra, giám sát nên hiệu quả thấp (Nguồn: Báo cáo của Văn phòng Trung ương)

2020 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1288
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1288
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87170956