“Quả ngọt” trên vùng gò đồi Hải Lâm 

(QT) - Thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp theo định hướng của huyện cũng như căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, những năm qua xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng đã vận động nhân dân đẩy mạnh khai thác tiềm năng lợi thế vùng gò đồi, tích cực cải tạo vườn tạp để chuyển đổi cây trồng. Nhờ vậy đến nay, nhiều mô hình trồng cây ăn quả có múi canh tác theo hướng hữu cơ thực hiện ở vùng đất này đã cho “quả ngọt” với hiệu quả kinh tế bước đầu đầy triển vọng.

Trang trại trồng cam, quýt lai và chanh của gia đình ông Nguyễn Minh Thoản ở vùng gò đồi thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm đã cho “quả ngọt”. Ảnh: ĐV

 

Trong gần 2 tháng qua, vợ chồng ông Nguyễn Minh Thoản, bà Hoàng Thị Gẫm ở thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm phấn khởi thu hoạch vườn cam và quýt bán cho khách hàng. Không giấu được niềm vui bên những cây cam, quýt trĩu quả, ông Thoản kể quá trình cải tạo khu đất rộng 3 ha trên vùng đất gò đồi ở thôn Xuân Lâm để chuyển hướng làm ăn. “Khu đất này hồi trước gia đình tôi trồng tràm. Tuy nhiên, nhận thấy vùng đất gò đồi có thổ nhưỡng, khí hậu tốt, độ ẩm cao phù hợp với loại cây trồng có giá trị cao hơn nên tôi quyết định chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Sau nhiều lần nghiên cứu, tìm hiểu cách trồng, tính toán đầu ra, tôi quyết định ra Nghệ An để tham khảo mô hình trồng cam Vân Du, cam V2 và giống quýt lai VQ có nhiều tương đồng phù hợp về đất đai, khí hậu. Sau một tuần tìm hiểu, vợ chồng tôi quyết định đầu tư mô hình này”, ông Thoản lý giải. Sau khi quyết định chuyển đổi, trong hai năm 2015 và 2016, ông thuê xe san gạt vùng đồi, cải tạo đất, đào hố trồng và trực tiếp ra tận các vườn giống ở tỉnh Nghệ An mua 1.300 gốc cam Vân Du, cam V2 và 250 gốc quýt lai VQ (quýt lai cam), cùng hàng chục cây chanh cao sản về trồng.

 

Ông Thoản cho hay, toàn bộ kinh phí xây dựng, kiến thiết trang trại ban đầu của gia đình ông ước tính khoảng 1,6 tỉ đồng. Trong khu trang trại thoáng rộng phần lớn nằm trên khu đồi bát úp của mình, ông quy hoạch ở giữa là lối đi chính rộng khoảng 10 m, hai bên là khu vực trồng cam, quýt và chanh, bao quanh đào những ao nước vừa để chủ động tưới tiêu. Tất cả những gốc trồng đều được cách ô thửa đều đặn, thẳng tắp. “Tôi học theo cách trồng ở xứ Nghệ. Gốc cách gốc từ 3-4 m, âm dưới đất trong toàn khu vườn có hệ thống tưới ngầm. Thực hiện cách trồng khoa học, quy củ như thế này dù vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng sẽ đảm bảo cây sinh trưởng tốt, khâu chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cũng như khi thu hái sẽ thuận tiện hơn”, khoát tay quanh khu đồi giờ đã phủ xanh những gốc cam, quýt quả trĩu cành quả, ông Thoản phấn chấn cho hay.

 

Đến nay sau 4 năm trồng, trang trại cam, quýt, chanh của gia đình ông Thoản đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Cam và quýt trồng tại vùng gò đồi Xuân Lâm cho ra quả to đều, đẹp, có vị ngọt thanh, mọng nước và nếu so sánh thì không thua kém ở các vùng chuyên canh cam nổi tiếng ở Nghệ An. Bà Gẫm nhẩm tính và cho biết, từ tháng 9/2019 đến tết vừa rồi gia đình bà đã thu được hơn 3 tấn cam, bán được gần 100 triệu đồng. Cùng thời điểm này, một số hộ trồng cam, quýt ở vùng gò đồi xã Hải Lâm cũng cho thu hoạch tương tự như gia đình ông Thoản…

 

Xác định khi thực hiện mô hình này là phải đảm bảo đạt được hiệu quả bền vững, vì vậy vợ chồng ông Thoản tuân thủ nghiêm ngặt theo phương thức canh tác tự nhiên. “Nghĩa là dùng phân bón hữu cơ hoàn toàn, đó chủ yếu chính là bã sắn sau khi được xử lý kết hợp thêm với phân chuồng. Còn điều trị sâu bệnh thì dùng chế phẩm sinh học đạt chuẩn theo quy định của ngành nông nghiệp; làm cỏ cũng bằng máy cắt cỏ thủ công. Quá trình trồng, chăm sóc cho đến khi quả cam được tới tay người tiêu dùng không hề có sự can thiệp của thuốc hóa học độc hại”, ông Thoản nói.

 

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển vườn cây ăn quả có múi trên địa bàn, khoảng 5 năm qua đã có nhiều hộ gia đình ở vùng gò đồi xã Hải Lâm đầu tư trồng mới hoặc cải tạo vườn tạp để chuyển hướng trồng nhiều loại cây như: Cam, quýt, bưởi, chanh, vú sữa, măng cụt, mít Thái Lan… Đến nay, xã Hải Lâm đã quy hoạch được khu chuyên canh cây ăn quả có múi với diện tích hơn 10 ha, qua đó bước đầu thu hút được 8 hộ dân thực hiện mô hình với bình quân mỗi hộ có diện tích khoảng 1 ha.

 

Được biết, thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua xã Hải Lâm đã tích cực vận động, khuyến khích các hộ dân vùng gò đồi mạnh dạn chuyển đổi mô hình kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi. Đồng thời địa phương cũng đã hỗ trợ một phần giống cây, tập huấn kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó, các HTX cũng chung tay hỗ trợ 50% cây giống đối với những hộ cải tạo vườn tạp chỉ canh tác một loại cây ăn quả có múi. Sự đồng hành hỗ trợ này đã giúp nhiều hộ dân mạnh dạn, tự tin đầu tư thực hiện mô hình được xem là phù hợp và có hiệu quả kinh tế này.

 

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lâm Hoàng Hoa Thám bày tỏ: “Hiệu quả của mô hình bước đầu đã được ghi nhận, cam, quýt do người dân trồng ra đảm bảo an toàn, chất lượng, đầu ra ổn định. Tuy vậy, để có thể phát triển lâu dài và ổn định, vùng quy hoạch cây ăn quả có múi trên địa bàn xã cần được nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống điện lưới phục vụ tưới tiêu và đường giao thông. Ngoài ra, nhiều hộ dân có nhu cầu phát triển các loại cây này cũng mong muốn nhà nước ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn vay với hạn mức lớn hơn với lãi suất ưu đãi, vì đầu tư loại cây trồng này đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu khá lớn”. Trong thời gian tới, xã Hải Lâm phấn đấu mỗi năm phát triển thêm từ 3-5 ha cây ăn quả có múi trên vùng gò đồi có điều kiện phù hợp, nhằm từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả có quy mô lớn hơn và nâng cao giá trị thu nhập từ nông nghiệp cho người dân địa phương.

 

Đức Việt

429 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 778
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 778
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77152667