|
Các thợ lặn đến từ TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ lưới bị mắc lại ở rạn san hô
|
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngư dân trong và ngoài tỉnh thường gọi những tấm lưới này là “lưới ma”. Cụ thể, trong quá trình đánh bắt thủy sản, do lưới bị vướng vào rạn san hô, không thể lấy lên được nên ngư dân đành phải bỏ lại. Có một số trường hợp phát hiện lưới bị hư hỏng nặng nên ngư dân quyết định không thu hồi mà vứt lại dưới biển. Phần lớn ngư dân chưa hiểu rõ tác hại của những tấm lưới gặp sự cố này.
Được biết, lưới của ngư dân chủ yếu được làm từ ni lông. Khi bị mắc kẹt trong nước biển một thời gian dài, những tấm lưới này sẽ gây ô nhiễm môi trường. Đáng ngại hơn, một số loại động vật thở bằng phổi vô tình vướng vào lưới có thể không thoát ra được và bị chết.
Xác nhận thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cho biết, mỗi năm, trong quá trình kiểm tra độ đa dạng sinh học ở vùng biển đảo Cồn Cỏ, các thợ lặn của đơn vị đều dành thời gian thu gom số lưới bị mắc lại ở rạn san hô. Cùng với đó, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cũng phối hợp với các đoàn nghiên cứu thực hiện công việc này.
Tuy nhiên, do khu vực quản lý rộng, địa hình phức tạp nên việc thu gom lưới gặp sự cố của ngư dân gặp nhiều khó khăn. “Việc lưới bị vướng vào các rạn san hô nên phải bỏ lại là sự cố không mong muốn của ngư dân. Vì vậy, chúng tôi tập trung tuyên truyền, vận động ngư dân sử dụng các loại lưới cá nổi. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để thu gom số lưới đang bị mắc lại dưới lòng biển để bảo vệ môi trường”, ông Hòa khẳng định.
Q.H