|
- Lấy mẫu tôm nuôi để xét nghiệm xác định dịch bệnh
|
Cụ thể, tại huyện Vĩnh Linh đã có 1 hộ ở tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn với diện tích 0,2 ha; tại TP. Đông Hà đã có 8 hộ thuộc phường Đông Giang với tổng diện tích 4,2 ha xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi. Ngay sau khi nhận được tin báo, Chi cục CN&TY đã cử cán bộ kĩ thuật trực tiếp đến kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp kĩ thuật nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời lấy mẫu để người nuôi gửi Chi cục Quản lí chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh.
Kết quả tất cả các ao nuôi đều bị bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính. Ngay khi có kết quả xét nghiệm Chi cục CN&TY đã kịp thời cấp 2.174 kg hóa chất Chlorine từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ kịp thời cho các hộ nuôi xử lí dập dịch, góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh sang các vùng nuôi khác.
Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục CN&TY Trần Hoãn cho biết: Để phòng chống dịch bệnh, bên cạnh việc cấp hóa chất Chlorine để dập dịch, thông báo cho các hộ nuôi xung quanh biết về tình hình dịch bệnh, Chi cục đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh và hạn chế lây lan mầm bệnh, vận động các hộ nuôi có tôm bị bệnh hạn chế đi lại qua các ao nuôi khác.
Đối với những ao nuôi chưa bị bệnh cần phải dùng lưới rào chắn xung quanh ao, rải vôi quanh bờ để ngăn chặn các loài giáp xác mang mầm bệnh vào ao, xử lí nước trước khi cấp vào ao nuôi; theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe tôm nuôi, thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy lí, thủy hóa trong ao; bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.
“Hiện nay đang ở vụ nuôi chính, với tính chất nguy hiểm và khả năng lây lan nhanh của dịch bệnh cộng với thời tiết khắc nghiệt, nếu các hộ nuôi không tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan chức năng thì trong thời gian tới dịch bệnh sẽ rất dễ bùng phát và lây lan trên diện rộng”, ông Hoãn nhận định.