Xây dựng vườn tiêu an toàn dịch bệnh 

(QTO) - Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” hợp phần 3 là “Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” (CSA) áp dụng trên cây hồ tiêu ở Quảng Trị đúng vào thời gian giá tiêu trên thị trường xuống quá thấp làm cho nông dân không mấy mặn mà với cây tiêu. Nhưng với sự hỗ trợ tích cực của dự án, các hộ nông dân tham gia mô hình đã thực hiện có hiệu quả mô hình canh tác hữu cơ trên cây hồ tiêu mà dự án chuyển giao.

Chăm sóc vườn tiêu ở Gio Linh. Ảnh: VTH

 

Gia đình chị Hoàng Thị Bích Thủy ở thôn Lan Đình, xã Phong Bình, huyện Gio Linh là thành viên của Tổ hợp tác nông sản sạch Gio Phong được tham gia thực hiện mô hình của hợp phần CSA đúng vào lúc chị mới bắt tay vào kiến thiết cơ bản vườn tiêu được 1 năm với diện tích 3 sào. Đây là cơ hội tốt đối với chị Thủy vì ngay từ đầu, vườn cây của chị đã được trồng theo kỹ thuật chuẩn của phương pháp canh tác hữu cơ mà CSA chuyển giao. Do vậy, chị Thủy đã tranh thủ tiếp thu tốt các kỹ thuật mà dự án hướng dẫn. Chị Thủy được dự án hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh, men vi sinh để ủ phân chuồng, thuốc trừ bệnh sinh học, phân bón lá sinh học và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật. Đặc biệt, các lớp tập huấn được thực hiện trực tiếp tại vườn tiêu nên mọi kiến thức dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hành. Các gốc tiêu trong vườn được trồng thẳng hàng, giữa các hàng tiêu có rãnh thoát nước để dễ tiêu úng về mùa mưa tránh được các bệnh do tiêu ứ nước bị các loại nấm xâm nhập dẫn đến chết cây. Cả vườn tiêu cũng được bố trí hệ thống tưới tại gốc để chống hạn vào mùa hè. Vườn tiêu chỉ bón phân hữu cơ, không bón phân vô cơ. Đến nay, vườn tiêu của chị Thủy phát triển tốt, không bị sâu bệnh.

 

Tổ hợp tác nông sản sạch Gio Phong có 16 hộ tham gia thực hiện mô hình canh tác CSA trên cây tiêu với tổng diện tích 2 ha. Ngoài sự hỗ trợ của dự án, các thành viên trong tổ hợp tác còn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho cây tiêu khá hiệu quả. Được tham gia dự án, các hộ trong tổ hợp tác rất phấn khởi, bởi từ trước đến nay nông dân trồng tiêu tự mò mẫm làm theo kinh nghiệm chứ không được tập huấn có bài bản như bây giờ. Tổ trưởng Tổ hợp tác nông sản sạch Gio Phong Trần Chiến cho biết: “Được tham gia các lớp tập huấn, nông dân biết thiết kế vườn tiêu sao cho khoa học để dễ chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Việc canh tác tiêu theo phương pháp hữu cơ thì từ trước đến nay đã có làm nhưng làm sao cho đúng cách thì khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn mới hiểu rõ, chứ trước đây làm theo kinh nghiệm thôi”.

 

Vùng gò đồi Gio Linh có thế mạnh để phát triển cây hồ tiêu, tuy nhiên những năm gần đây, giá tiêu bấp bênh, có khi rớt giá xuống quá thấp nên nông dân đã bỏ bê vườn tiêu. Việc khôi phục lại vườn tiêu không tốn nhiều kinh phí nhưng nông dân phần lớn chưa biết hết các cách chăm sóc vườn tiêu nên tiêu thường bị các loại bệnh như tuyến trùng rễ, chết nhanh, chết chậm…Dự án CSA được triển khai trên cây tiêu với mục đích là xây dựng mô hình canh tác hữu cơ hữu hiệu và thiết kế vườn tiêu khoa học để phát triển cây tiêu với chi phí thấp nhất mà hiệu quả tốt nhất, từ đó nhân ra diện rộng. Hơn nữa, cũng thông qua việc triển khai dự án để khôi phục lại phong trào phát triển cây hồ tiêu hiện nay đang lắng xuống do giá cả bấp bênh. Cây tiêu là cây công nghiệp dài ngày, không thể vì giá xuống thấp trong vài năm mà bỏ bê vườn tiêu nên cần phải có sự chăm sóc lâu dài. Trạm phó Trạm khuyến nông huyện Gio Linh Trần Xuân Lộc cho biết: “Thông qua dự án không chỉ nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc tiêu mà còn nâng cao nhận thức cho người dân trồng tiêu, không để vườn tiêu xuống cấp. Nhờ đó, chất lượng vườn tiêu của các hộ tham gia mô hình CSA nâng lên đáng kể, năng suất đạt cao hơn”.

 

Dự án đã hỗ trợ xây dựng mô hình canh tác tiêu an toàn dịch bệnh tại 3 HTX với tổng diện tích 8 ha, trong đó HTX Hà Thượng, xã Gio Châu 2 ha gồm 30 hộ tham gia; HTX Hà Trung, xã Gio Châu 4 ha có 60 hộ tham gia và Tổ hợp tác nông sản sạch Gio Phong, xã Phong Bình 2 ha có 16 hộ tham gia. Các hộ tham gia làm theo biện pháp kỹ thuật của CSA thì vườn tiêu xanh tốt hơn, vườn kinh doanh cho năng suất cao hơn so với chính vườn đó vào những năm trước đây, bình quân năng suất đạt 30 tạ/ha, cao hơn 6 tạ/ha so với đại trà.

 

Năm 2020 là năm thứ 5 liên tục giá tiêu giảm từ chỗ giá đạt mức cao kỷ lục 230 ngàn đồng/kg (năm 2015) xuống còn 40 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều chuyên gia trong ngành tiêu thì giá tiêu sẽ tăng trở lại và về đúng giá trị của nó. Vì vậy, mặc dù hiện tại giá tiêu ở mức thấp 40 ngàn đồng/kg, một héc ta tiêu kinh doanh chăm sóc tốt cũng đạt giá trị 120 triệu đồng/năm là khoản giá trị sản xuất không phải thấp. Do đó, để đón đầu việc tăng giá tiêu trở lại, thì ngay từ bây giờ phải phục hồi vườn tiêu bằng các biện pháp chăm sóc ít chi phí mà hiệu quả cao, phòng trừ sâu bệnh tốt, chất lượng vườn cây nâng cao. Đạt được mục tiêu đó, việc chọn phương pháp canh tác hữu cơ là một cách thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó cũng là mục tiêu mà CSA đặt ra và đã đạt được từ các mô hình sản xuất nông nghiệp thí điểm và nhân rộng.

 

Hà Vân An

248 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 970
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 970
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87054545