Xây dựng mô hình trồng nấm cho ngư dân 

(QTO) - Tạo sinh kế bền vững cho ngư dân vùng biển là nhiệm vụ được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm trong những năm gần đây. Cũng nhằm mục đích này, năm 2018, Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) Quảng Trị đã triển khai dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nấm dạng dịch thể phục vụ nuôi trồng, chế biến nấm trong mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển và miền núi tỉnh Quảng Trị”. Sau hơn 2 năm triển khai, dự án mang lại hiệu quả thiết thực cho ngư dân vùng biển và nông dân vùng núi. Đến nay, dự án đã khẳng định được tính hiệu quả trong việc tạo thu nhập thêm cho ngư dân bên cạnh nghề chính là nghề biển, giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn của người dân một số vùng trong tỉnh.

Lãnh đạo Sở KH&CN Quảng Trị kiểm tra tình hình sản xuất nấm ở cơ sở. Ảnh: HVA

 

Để dự án triển khai đạt kết quả tốt, Sở KH&CN đã tiến hành điều tra, khảo sát tình hình trồng nấm của các hộ dân trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở phân tích số liệu về khả năng phát triển nghề trồng nấm và nhu cầu trồng nấm của người dân, sở đã làm việc với UBND các xã ven biển và những xã có nhu cầu, đưa ra các tiêu chí chọn hộ tham gia thực hiện mô hình. Sở KH&CN đã triển khai mô hình tại 5 huyện, mỗi huyện xây dựng 15 mô hình thí điểm. Các hộ được lựa chọn tham gia mô hình là những hộ có nhu cầu trồng nấm, có lao động và có khả năng đầu tư. Mỗi hộ được sở hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà trồng nấm (rộng khoảng 100 m2 ), hỗ trợ 50% số lượng bịch nấm và tập huấn, đào tạo kỹ thuật trồng nấm. Trạm Nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển nấm Cam Lộ là đơn vị được giao nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật và theo dõi quá trình triển khai dự án tại cơ sở. Trạm đã cử 2 cán bộ đi đào tạo kỹ thuật trồng nấm tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển nấm Hà Nội. Sau khi được đào tạo, các cán bộ này về đào tạo lại cho 5 kỹ thuật viên phụ trách tại 5 huyện có triển khai mô hình. Trên cơ sở các thiết bị được đầu tư, trạm đã sản xuất giống dịch thể các loại nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm linh chi, nấm đùi gà để cung cấp cho các hộ trồng nấm.

 

Để phục vụ cung ứng nấm giống cho ngư dân, trạm đã xây dựng, sửa chữa phòng thí nghiệm, mua sắm nồi hơi thanh trùng 500 lít, hệ thống lên men liên hoàn 30 lít, 300 lít dịch thể và dụng cụ, vật tư hóa chất để cho việc sản xuất giống nấm dạng dịch thể. Các hộ dân sau khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm chỉ cần mua các bịch nấm đã gieo giống dịch thể do Trạm Nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển nấm Cam Lộ sản xuất về treo, tưới nước, chăm sóc và thu hoạch. Mỗi mô hình đều thực hiện trồng 3 loại nấm là nấm sò, nấm mộc nhĩ và nấm linh chi, một số hộ có sản xuất thêm nấm đùi gà. Nhiều hộ đã sản xuất nấm đạt hiệu quả cao, mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình.

 

Gia đình bà Hoàng Thị Bình ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh tham gia mô hình trồng nấm từ khi dự án bắt đầu triển khai. Vốn trước đây chưa bao giờ được tiếp xúc với công việc trồng nấm nhưng để tạo thêm việc làm trong lúc nông nhàn, bà Bình hăng hái đăng ký tham gia mô hình và rất tích cực trong mọi phần việc trồng nấm nên mô hình sản xuất nấm của bà Bình đạt hiệu quả khá. Bà Bình cho biết: “Tôi rất tích cực tham gia các lớp tập huấn, ghi chép cẩn thận các kỹ thuật trồng nấm nên thực hiện khá bài bản. Gia đình tôi cũng đầu tư vốn đối ứng đầy đủ nên mô hình triển khai có hiệu quả, mang lại thu nhập khá cho gia đình”.

 

Tính đến nay, Trạm Nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển nấm Cam Lộ đã sản xuất và cấp bịch nấm cho tất cả các hộ tham gia mô hình với số lượng 691.000 bịch. Các hộ đối ứng số lượng bịch nấm tương đương với số lượng bịch nấm do trạm hỗ trợ. Mỗi lứa nấm sò, mộc nhĩ mất thời gian từ 3- 4 tháng, nấm linh chi khoảng 6 tháng. Thực tế các mô hình sản xuất đạt năng suất các loại nấm theo yêu cầu như: Nấm sò trung bình 0,4 kg nấm tươi/ bịch; nấm mộc nhĩ 0,6 kg nấm tươi/ bịch; linh chi 0,06 kg nấm tươi/ bịch. Nhiều hộ sau 2 năm triển khai mô hình đã chăm sóc và thu hái hơn 10.000 bịch nấm các loại, thu được giá trị khoảng 110 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, lãi được hơn 70 triệu đồng. Sản phẩm nấm mộc nhĩ và linh chi được Trạm Nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển nấm Cam Lộ thu mua và sơ chế đạt 5 tấn sản phẩm/năm.

 

Đánh giá hiệu quả của các mô hình trồng nấm ở vùng biển, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển nấm Cam Lộ Nguyễn Ngọc Huỳnh cho biết: “Hiện nay, nấm là một trong những loại thực phẩm được tiêu thụ khá tốt nên những hộ chuyên tâm và áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trồng nấm thì triển khai có hiệu quả cao. Trạm đã hỗ trợ tốt cho người dân về cơ sở vật chất và kỹ thuật trồng nấm, tạo điều kiện cho người dân vùng biển phát triển nghề trồng nấm để có thêm thu nhập”.

 

Quá trình triển khai dự án, Trạm Nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển nấm Cam Lộ rất tích cực để hoàn thành các mục tiêu đề ra của kế hoạch dự án, đã đạt được một số kết quả nhất định, một số nơi nông dân tích cực tham gia dự án. Tuy nhiên, do việc triển khai trồng nấm đối với ngư dân vẫn còn là nghề mới nên nhiều địa phương ngư dân chưa hào hứng tiếp nhận, do đó tiến độ triển khai dự án vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Mặt khác, điều kiện thời tiết tại Quảng Trị mấy năm qua khá khắc nghiệt nên ảnh hưởng đến việc sản xuất nấm. Phạm vi của dự án khá rộng nên khó khăn trong công tác đi lại kiểm tra…

 

Thời gian tới, Trạm Nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển nấm Cam Lộ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống nấm dạng dịch thể giảm tỉ lệ nhiễm và phù hợp với điều kiện khí hậu tại Quảng Trị; tiếp tục sản xuất bịch phôi nấm để cung cấp cho người dân; hoàn thiện mô hình sản xuất nấm thương phẩm tại trạm…để hỗ trợ ngư dân tiếp tục phát triển nghề trồng nấm thành nghề thuần thục mang lại thu nhập khá bên cạnh nguồn thu nhập từ biển.

 

Trần Cát Linh

504 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1157
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1157
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87125570