Xây dựng gia đình CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, xây dựng gia đình công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) là một trong những nhân tố quan trọng động viên kịp thời đội ngũ CNVCLĐ tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng phát triển vững mạnh.  

Xác định Nhà nước và xã hội có trách nhiệm chăm lo, bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình, hàng năm, BanThường vụ LĐLĐ tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn trong toàn tỉnh triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về công tác gia đình, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đến cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Tổ chức triển khai quán triệt nội dung Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”đến cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ nhằm nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Chỉ đạo các cấp công đoàn gắn việc xây dựng chương trình đời sống gia đình thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào chương trình xây dựng hoạt động hàng năm. Các cấp Công đoàn chú trọng tuyên truyền về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh dân số; phát động và đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hóa, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện tiêu chí bình đẳng giới trong gia đình; đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nam giới đối với các công việc gia đình như: tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức nuôi dạy con; tổ chức hội nghị biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu vào dịp Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); tổ chức hội thi “Kiến thức pháp luật và gia đình nữ CNVCLĐ”, “Gia đình điểm 10”, “Nữ công gia chánh”; thăm hỏi nữ CNVCLĐ nghèo vượt khó, tổ chức trao thưởng cho các cháu con CNVCLĐ đạt thành cao trong học tập nhân dịp 1/6, Trung thu... vận động nữ CNVCLĐ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 6b-NQ/TLĐ, ngày 29/01/2011 của BCH Tổng Liên đoàn về công tác vận động nữ CNVCLĐ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Phụ nữ tích cực học tập xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin -tự trọng -trung hậu -đảm đang”. Chú trọng tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi dạy con ngoan, học giỏi; thực hiện tốt chính sách dân số KHHGĐ, hạn chế mức thấp nhất trường hợp sinh con thứ 3 trong CNVCLĐ; tích cực vận động mọi gia đình trong cơ quan, đơn vị tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; tích cực tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội. Kết quả trong 15 năm qua, các cấp công đoàn đã lồng ghép tổ chức 9.750 lớp tuyên truyền về công tác gia đình, bình đẳng giới cho 58.560 lượt CNVCLĐ tham gia; phát hành trên 15.000 tờ rơi, 5.000 sổ tay có nội dung liên quan; cung cấp 11.300 quyển sổ tay nữ công của Tổng Liên đoàn đến Ban nữ công quần chúng công đoàn cơ sở.

Hàng năm, các công đoàn cơ sở đã tổ chức tổng kết và công nhận 90% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được các cấp công đoàn quan tâm đẩy mạnh; tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hưởng ứng tham gia phong trào, tạo nên sự chuyển biến về nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong xu thế hội nhập và phát triển. Xuất hiện nhiều mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc trong CNVCLĐ, như: mô hình “Gia đình không có tệ nạn xã hội”, “Gia đình không có ma túy”, “Gia đình nhà giáo văn hóa”, “Gia đình ít con”, “Gia đình bình đẳng, tiến bộ,hạnh phúc”, “Gia đình hạnh phúc”, “Câu lạc bộ không sinh con thứ 3”... nhằm tạo sự giao lưu gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về công tác, học tập, lao động sản xuất, giúp nhau xây dựng, vun đắp hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con tốt, phê phán những biểu hiện không đúng, không lành mạnh trong đời sống gia đình; từ đó nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe thành viên trong gia đình CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo động lực thúc đẩy CNVCLĐ kế thừa, phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam xây dựng gia đình CNVCLĐ có tri thức, có sức khỏe, có lối sống văn hóa, năng động sáng tạo. Kết quả trong 15 năm qua, có trên 90% gia đình cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ đạt gia đình văn hóa và hàng trăm gia đình CNVCLĐ tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng.

Hàng năm, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các sở ban ngành liên quan tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng tuyên truyền về công tác Dân số-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản và bảo vệ bà mẹ trẻ em, về bình đẳng giới và nâng cao năng lực phòng chống bạo lực gia đình cho cán bộ chủ chốt công đoàn và cán bộ nữ công công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Kết quả đến nay, 100% cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp và cán bộ nữ công công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được tập huấn. Trên 95% gia đình CNVCLĐ được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật về hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Trên 95 % CNVCLĐ trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, về sức khỏe sinh sản, tình dục trước hôn nhân, về phòng chống bạo lực gia đình thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt công đoàn, các lớp tuyên truyền, hội thi, nói chuyện chuyên đề ... do các cấp công đoàn tổ chức.

Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng gia đình CNVCLĐ Quảng Trị đã góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình phát triển toàn diện, tạo động lực để nhiều gia đình vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên con đường hội nhập và CNH-HĐH đất nước.

Thủy Phương

977 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 992
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 992
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76650908