Vĩnh Linh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp 

(QTO) - Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, huyện Vĩnh Linh xác định mục tiêu là xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với các sản phẩm tạo ra có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường; từ đó từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Nhờ tích cực thực hiện đề án với nhiều giải pháp như đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết từ canh tác đến tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… sau 3 năm ngành nông nghiệp huyện tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

Mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh - Ảnh: P.N​

 

Là huyện thuần nông, Vĩnh Linh luôn xác định nông nghiệp đóng vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế và thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp chính là chìa khóa để tạo ra những bước chuyển biến tích cực, đột phá cho nhóm ngành này. Trên cơ sở đó, địa phương đã tập trung đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tầm quan trọng, sự cần thiết phải thực hiện đề án; đồng thời phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn cho các phòng, ban chuyên môn, các xã thị trấn, các HTX và người dân sản xuất trên địa bàn.

 

Với khoảng 7.000 ha diện tích canh tác mỗi năm, lúa là một trong những loại cây chủ lực trong lĩnh vực trồng trọt tại huyện Vĩnh Linh. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo, nông dân đã tích cực sử dụng các giống lúa có phẩm cấp, chất lượng cao như HN6, Thiên Ưu 8, Bắc Hương 9, QS447, Đài Thơm 8… vào sản xuất đại trà. Nhờ đó tỉ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao trên địa bàn đến nay đạt trên 85%; cơ cấu giống xác nhận và trên cấp xác nhận đạt trên 95%. Đồng thời tập trung chỉ đạo dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hoá và kêu gọi doanh nghiệp liên kết với nông dân đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến năm 2019 bình quân sản lượng lúa đạt gần 54 tạ/ ha tăng 2,7 tạ/ha so với năm 2017.

 

Đặc biệt, với chủ trương xây dựng và nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu lớn, huyện đã hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với tổng diện tích 2.000 ha, trong đó có trên 95 ha sản xuất theo hướng hữu cơ; tập trung tại các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy. Ngoài ra, 2 vùng sản xuất hàng hóa tập trung khác cũng được định hình phát triển là hồ tiêu với diện tích trên 1.300 ha tại các xã phía Đông, cho năng suất hằng năm đạt 1.439 tấn; vùng chuyên canh cao su tại các xã phía Tây với diện tích trên 6.775 ha đem lại sản lượng 8.352 tấn. Nhiều cây màu, cây thực phẩm truyền thống được thị trường chấp nhận và không ngừng mở rộng diện tích, dần chuyển sang chuyên canh, thâm canh cao như môn, dưa hấu, ném, lạc…

 

Một trong những kết quả nổi bật ở lĩnh vực trồng trọt, đó là thành công của các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng dưa lưới, rau củ quả sạch trong nhà màng với quy mô trên 5.500 m2; rau sạch thủy canh 1.300 m2; sản xuất tiêu sạch…. Cùng nhiều mô hình thử nghiệm các loại cây trồng mới bước đầu đã cho thấy kết quả khả quan như chuối Đacca đỏ, cây hương bài dưới tán cây cao, cây thìa canh, sâm Bố Chính… Nắm bắt xu hướng, nhu cầu của thị trường, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã chủ động đầu tư phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế như ổi, vải thiều, thanh long ruột đỏ, chanh leo hay xây dựng các vùng chuyên canh tập trung cây ăn quả có múi với tổng diện tích hơn 30 ha; các vùng sản xuất nguyên liệu dứa 29 ha, ớt gần 47 ha, chanh leo 13,2 ha.

 

Trên lĩnh vực chăn nuôi, nhờ thực hiện tốt việc tập huấn, hướng dẫn, khuyến khích người dân đầu tư hệ thống chuồng trại, các dụng cụ thiết bị, hệ thống xử lý môi trường đúng tiêu chuẩn và ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới mà số lượng và chất lượng đàn chăn nuôi không ngừng phát triển; các trang trại chăn nuôi ứng dụng tiến bộ KHKT xuất hiện ngày càng nhiều. Đến năm 2020, toàn huyện có 4 trang trại chăn nuôi bò có quy mô từ 50 con trở lên, 2 trang trại nuôi lợn có quy mô từ 500- 1.000 con, 3 trang trại có quy mô 1.000- 2.500 con; 15 trang trại chăn nuôi gà có quy mô từ 5.000- 10.000 con. Nuôi trồng, khai thác thủy hải sản được định hướng phát triển theo phương châm nâng cao năng suất, chất lượng, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước sắp xếp chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển. Đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện ước đạt 915 ha với sản lượng nuôi trồng trên 1.250 tấn, tổng sản lượng thủy sản trên 5.600 tấn. Nhiều đối tượng con nuôi mới đem lại kết quả tích cực như cá chình, cá leo…; đồng thời nhiều quy trình chăn nuôi mới cũng cho thấy hiệu quả vượt trội như nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính, nuôi tôm 2 giai đoạn theo quy trình sinh học.

 

Với chủ trương thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình “Một xã một sản phẩm” - OCOP, huyện Vĩnh Linh đã xác định được 10 sản phẩm có thế mạnh trong nông nghiệp hiện có gồm hồ tiêu, ném củ, thanh long ruột đỏ, đậu xanh, khoai môn, gạo hữu cơ, tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây, nước mắm và dầu lạc. Năm 2019, đã có 10 hồ sơ đăng ký tham gia chương trình OCOP với 7 chủ thể sản xuất; kết quả có 1 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh; dự kiến năm 2020 có thêm 3- 4 sản phẩm tham gia đánh giá và đạt 3 sao cấp tỉnh.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết: “Từ những kết quả đã đạt được trong 3 năm qua, huyện Vĩnh Linh đã xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó chú trọng xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh để tạo điều kiện cho việc chế biến nông sản đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ mới vào chăn nuôi, thực hiện sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị có liên kết với các công ty trong tiêu bao toàn bộ sản phẩm. Duy trì và phát triển diện tích quy mô nuôi trồng thủy, hải sản, nhân rộng các mô hình công nghệ mới, từng bước thâm canh đối với vùng ven biển bãi ngang và đầu tư, nâng cấp các nhà máy chế biến thủy, hải sản để chủ động trong sản xuất”.

 

Ngoài ra, địa phương cũng sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về chương trình OCOP đến các ngành, chủ thể sản xuất và người dân. Đầu tư nâng cấp sản phẩm thế mạnh hiện có. Phấn đấu đến năm 2025 được công nhận, chứng nhận trên 10 sản phẩm nông nghiệp đạt từ 3- 4 sao và có ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.

 

Phương Nga

537 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1001
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 1003
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76815981