Ưu thế của nuôi cá bằng “lồng thuyền” 

(QTO) - Những năm trở lại đây, người nuôi cá nước ngọt trên sông ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng đã bỏ vốn đầu tư dần chuyển sang nuôi trong lồng nuôi mới có hình dạng giống chiếc thuyền mà người dân nơi đây thường gọi là “lồng thuyền”. Kiểu lồng nuôi mới này đã đạt được nhiều hiệu quả như: Ít hao con giống, cá nuôi phát triển tốt, ít bị bệnh và đặc biệt không bị trôi vào mùa mưa lũ…

Loại hình “lồng thuyền” nuôi cá chình, cá leo ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng mang lại hiệu quả cao. Ảnh: ĐV

 

Tận dụng mặt nước sông Ô Giang đi qua trên địa bàn xã, từ hàng chục năm qua nhiều hộ dân sống bằng nghề ngư ở xã Hải Phong bên cạnh đánh bắt thủy sản đã bắt đầu chuyển hướng sang nuôi cá lồng để phát triển kinh tế. Từ những lồng nuôi thô sơ ban đầu cũng như chưa có nhiều về kinh nghiệm nuôi, đến nay nghề nuôi cá nước ngọt ở vùng đất này đã phát triển khá mạnh và người nuôi đã tích lũy được kinh nghiệm nuôi vững vàng. Ông Nguyễn Hữu Đông, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Hải Phong cho biết, để nâng cao hiệu quả nuôi cá nước ngọt bền vững, thời gian qua từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện, xã, hàng chục hộ dân trên địa bàn đã được hỗ trợ để chuyển đổi lồng nuôi. “Đến nay toàn xã phát triển được khoảng 90 lồng nuôi cá, trong đó lồng nuôi cá chình chiếm gần 2/3, còn lại là lồng nuôi cá leo, tập trung chủ yếu ở các thôn Câu Nhi, Hà Lỗ và Văn Trị. Những hộ nuôi cá lồng trên địa bàn chủ yếu trước đây làm nghề sông nước nên đời sống khó khăn, từ khi chuyển qua nuôi cá mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ khá giả”, ông Đông cho hay.

 

Chèo chiếc đò nhỏ đưa chúng tôi mục sở thị “xóm cá lồng” ở thôn Văn Trị, anh Phạm Văn Một, một trong những người nuôi cá lồng lâu năm tại địa phương cho biết, gia đình anh nhờ nuôi cá chình, cá leo mà đời sống dần khấm khá và có điều kiện nuôi các con chu đáo. “Trước đây chỉ làm nghề chài lưới thật sự cuộc sống gia đình tôi rất bấp bênh. Khoảng 15 năm trước, gia đình tôi tích góp và bắt đầu đầu tư nuôi cá lồng. Qua nhiều năm lăn lộn với nuôi cá chình, cá leo và một số con nuôi thủy sản khác, thu nhập của gia đình được cải thiện dần và bắt đầu có cuộc sống tốt hơn”, anh Một giải bày.

 

Từ những loại lồng nuôi bằng tre nứa, lưới trước đây, cách đây khoảng 3 năm, anh Một được sự hỗ trợ vốn của địa phương (mức 3 triệu đồng/lồng) đã đầu tư đóng mới 3 lồng thuyền với tổng chi phí bình quân khoảng 15 triệu đồng/lồng. “Lồng của gia đình tôi có kích cỡ dài khoảng 6 m, rộng 2 m, hình dạng y như chiếc thuyền với mũi nhọn, thân lồng được đục lỗ nhỏ. Khi đưa vào nuôi, mũi lồng nuôi được hướng về phía đầu nguồn sông và được cố định chắc chắn giữa sông. Ưu điểm của lồng thuyền nhôm này khá mát nên giúp cá sinh trưởng tốt, ít bệnh, độ bền lên đến hàng chục năm và đặc biệt là không bị trôi mỗi khi mùa mưa lũ về. Qua mấy vụ nuôi, tôi thấy loại lồng nuôi này có nhiều ưu điểm và cảm thấy rất yên tâm”, anh Một nói thêm.

 

Hiện nay hầu như các hộ nuôi cá lồng tại địa phương chủ yếu gắn bó với 2 loại con nuôi đó là cá chình và cá leo. Gia đình anh Một hiện đang nuôi 2 lồng cá chình (200 con giống, trị giá con giống mỗi lồng khoảng 20 triệu đồng); 1 lồng cá leo (khoảng 500 con giống). “Đối với cá chình thì khoảng 2 năm sẽ cho thu hoạch và lãi bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/lồng. Cá leo thì giá trị thấp hơn và thời gian thu hoạch ngắn hơn (khoảng 3- 4 tháng), hầu như các hộ nuôi đều thực hiện phương châm “cá leo nuôi cá chình”, nghĩa là tập trung đầu tư và phần lãi trọn gói thu được sẽ từ cá chình. Như gia đình tôi, nhờ tận dụng được nguồn cá vụn đánh bắt được để nuôi cá leo, cá chình nên nguồn lãi thu được cao hơn”, anh Một chia sẻ thêm.

 

Cũng như gia đình anh Một, nhờ nuôi cá lồng mà đời sống kinh tế của gia đình anh Phạm Văn Tin giờ đây đã khá giả hơn rất nhiều. Chúng tôi ghé thăm cũng là lúc gia đình anh Tin đang hoàn thành căn nhà 2 tầng mặt tiền hướng ra sông Ô Giang thoáng mát. Trong căn nhà xây kiên cố, khang trang, anh Tin cho biết cách đây mấy hôm gia đình anh vừa xuất bán cho thương lái từ Huế lứa cá chình với trị giá 120 triệu đồng. Gia đình anh hiện nuôi 3 lồng cá chình và đây cũng là nguồn thu nhập chính để nuôi 4 đứa con ăn học và nâng cao đời sống. “Mấy ngày trước gia đình tôi thu đợt 1 lứa cá chình, đạt trọng lượng bình quân 3- 4 kg/con, cá biệt có con đạt đến 6 kg, cá dưới 1 kg thả lại nuôi. Giá cá chình tại chỗ hiện nay trên 500.000 đồng/kg, tính sơ sơ nguồn thu từ bán cá chình đợt này đã giúp gia đình tôi gần đủ hoàn thiện ngôi nhà. Thật sự là nhờ cá chình, không chỉ gia đình tôi mà hàng chục gia đình làm nghề ngư ở vùng này thoát nghèo và dần có cuộc sống khá giả”, anh Tin chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Hữu Đông, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Hải Phong cho biết, hiện nay phần lớn các hộ nuôi cá chình, cá leo thương phẩm tại địa phương đã chuyển sang loại hình “lồng thuyền” nhiều ưu điểm để thay thế cho lồng nhôm vuông, lồng tre, lưới để vừa tăng hiệu quả nuôi trồng và thích ứng với biến đổi khí hậu, dòng chảy của sông. “Qua nhiều vụ nuôi, chúng tôi nhận thấy lồng nuôi này đạt hiệu quả cao, có tính bền vững, đặc biệt là đối với cá chình, cá leo. Nó cũng phù hợp với địa hình sông ngắn, dốc và chảy xiết vào mùa mưa lũ như sông Ô Lâu, Ô Giang nên đảm bảo an toàn cao giúp người nuôi hạn chế thấp nhất rủi ro. Vì vậy, thời gian tới những hộ dân có nhu cầu chuyển đổi lồng nuôi, địa phương sẽ cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ từ các nguồn vốn có được để giúp các hộ yên tâm phát triển kinh tế”, ông Đông cho biết thêm.

 

Đức Việt

297 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1311
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1311
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87102707