|
Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực địa thiệt hại rừng trồng do bão số 10 gây ra tại huyện Vĩnh Linh. Ảnh: Minh Đức
|
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải, sau cơn bão số 10, công ty đã chỉ đạo Ban phòng chống bão lụt công ty, các chi nhánh xí nghiệp tiến hành kiểm tra, rà soát thiệt hại do bão gây ra.
Về rừng trồng kinh tế, công ty có rừng trồng bằng vốn vay tại Chi nhánh Ngân hành Phát triển Thừa Thiên Huế- Quảng Trị, với diện tích thiệt hại 1.066 ha, giá trị thiệt hại ước tính 76.187,5 triệu đồng; rừng trồng bằng vốn kinh doanh của công ty, có diện tích thiệt hại 78,26 ha, giá trị thiệt hại ước tính 9.330,8 triệu đồng.
Diện tích rừng trồng Dự án 661 là 88,21 ha, tỷ lệ thiệt hại khoảng 50%, giá trị ước tính thiệt hại 1 tỉ đồng; rừng trồng thông nhựa có số cây thông bị đổ gãy nằm rải rác trên toàn bộ diện tích khoảng 3.500 cây và 15 tấn nhựa chưa kịp thu hồi, giá trị ước tính thiệt hại 1 tỉ đồng.
Hiện tại, công ty khẩn trương khắc phục hậu quả sau cơn bão, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ tốt tài sản không để cho kẻ gian lợi dụng trộm cắp. Tuy nhiên việc khắc phục hậu quả sau bão còn gặp nhiều khó khăn, giá cả thị trường đối với các sản phẩm gỗ sau bão đang xuống rất thấp, chi phí cho nhân công lao động lại tăng. Công ty đề nghị UBND tỉnh, các ban, ngành liên quan quan tâm hỗ trợ để công ty khắc phục hậu quả, ổn định tổ chức sản xuất trong thời gian tới.
Đối với Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, sau cơn bão số 10, Ban quản lý đã tiến hành kiểm tra và đánh giá về mức độ thiệt hại. Cụ thể, rừng trồng từ năm 2004-2012, với diện tích 2.755 ha tại Tiểu khu 593, 603, 594, 602, 595, có tỷ lệ gãy đổ từ 5-20%; nhiều cơ sở hạ tầng bị thiệt hại. Tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 1,3 tỉ đồng.
Ban quản lý kiến nghị, đối với diện tích rừng trồng đã có quyết định bán đấu giá có tỷ lệ cây gãy đổ từ 15-20% tổ chức bán đấu giá theo đúng quy định; đối với diện tích rừng trồng năm 2005-2007, diện tích 1.191,3 ha, có tỷ lệ gãy đổ từ 5-10%, nhưng số cây bị nghiêng tiếp tục đổ tương đối nhiều nên đề nghị các cấp cho chủ trương lập hồ sơ tận thu; hỗ trợ khắc phục cơ sở vật chất…
Sau khi đi kiểm tra thực địa và làm việc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải, Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải cùng các sở, ban, ngành liên quan, đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các chủ rừng cần tiếp tục rà soát lại diện tích rừng bị thiệt hại, đối với diện tích rừng thiệt hại trên 50% thì phải trồng lại và có kế hoạch vay vốn, hoặc sử dụng vốn tự có, liên doanh liên kết để tổ chức trồng lại rừng; thiệt hại dưới 50% thì tiến hành chặt tỉa, tìm biện pháp khôi phục; đối với hệ thống cơ sở vật chất, đường sá bị hư hỏng, sạt lở cần có biện pháp khắp phục để phục vụ công tác trước mắt và có những đề xuất cụ thể với tỉnh để có biện pháp hỗ trợ khắc phục hiệu quả.
Các Sở, ban, ngành liên quan và huyện Vĩnh Linh cần có biện pháp hỗ trợ các công ty, ban quản lý trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị khôi phục sản xuất không để đất trống, đồi núi trọc; lựa chọn lại giống cây trồng phù hợp. Đồng thời tham mưu với UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ và các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các hộ trồng rừng; kiến nghị với trung ương cho mua bảo hiểm đối với rừng trồng cũng như các loại cây trồng khác như cao su, hồ tiêu…; tham mưu UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo các nhà máy, doanh nghiệp chế biến gỗ trong dịp này cần ưu tiên mua sản phẩm của các công ty, các hộ trồng rừng trên địa bàn tỉnh, không được ép giá.
Các công ty, ban quản lý, các hộ trồng rừng cần phối hợp chặt chẽ với huyện Vĩnh Linh, các lực lượng chức năng đảm bảo công tác an ninh trật tự, không để các đối tượng xấu lợi dụng khai thác trái phép rừng trồng.
*Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Quân Chính, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có chuyến kiểm tra thực địa dự án đường biên giới từ xã Tân Long đi A Dơi (huyện Hướng Hóa).
|
Đồng chí Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực địa dự án tuyến đường biên giới Tân Long- A Dơi. Ảnh: Đức Việt
|
Dự án tuyến đường biên giới từ xã Tân Long đi A Dơi được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư theo Quyết định số 1525/QĐ-UBND ngày 18/8/2010 với tổng mức đầu tư được duyệt là 305,495 tỷ đồng. Trong đó, đoạn từ km 0 - km 15 có chiều dài tuyến 15 km, có thời gian thi công từ 9/2012 - 5/2014 và đã quyết toán hoàn thành công trình với giá trị 143,542 tỷ đồng. Đoạn từ km 15 - km 30 có chiều dài 15 km, có tổng dự toán 138,906 tỷ đồng và đã bàn giao đưa vào sử dụng.
Đoạn từ km 30 – km 33+515 có chiều dài tuyến 3,315 km, có tổng dự toán công trình 15,013 tỷ đồng, thi công từ 11/2016 - 8/2017 đã hoàn thành và đang làm thủ tục bàn giao. Đoạn từ km 33+515 - km 37+930, có chiều dài tuyến 15 km, có thời gian thi công 120 ngày, khởi công từ tháng 7/2017. Tổng dự toán là 7,145 tỷ đồng.
Hiện đang triển khai thi công móng cấp phối đá dăm và sửa chữa các mặt tràn bị hư hỏng với khối lượng hoàn thành đến nay đạt khoảng 50%. Theo tiến độ đã cam kết, đến cuối tháng 11/2017 hoàn thành và bàn giao công trình.
Sau khi nghe các ngành liên quan báo cáo và kiểm tra thực địa, đồng chí Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư đốc thúc đơn vị thi công tranh thủ thời tiết khô ráo tập trung máy móc, thiết bị để hoàn thành thi công công trình trong thời gian sớm nhất. Đơn vị giám sát cần kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, đổ nền đường đảm bảo chất lượng, sử dụng nguyên liệu đá chịu lực tốt nhất.
Đối với khối lượng đã hoàn thành, cần nhanh chóng làm thủ tục quyết toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trong quá trình thi công cần chú ý bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động.
Minh Đức – Đức Việt