|
Cây thanh long ruột đỏ phát triển tốt ở xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh. Ảnh: PN
|
Năm 2014, dự án “Chuyển giao mô hình trồng thanh long ruột đỏ” của Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện Vĩnh Linh được thực hiện tại xã Vĩnh Thủy với 300 trụ thanh long đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích 3.500 m2 . Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình cho kết quả tích cực, cây thanh long ruột đỏ thích nghi rất tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, ngay trong vụ đầu tiên cho tỉ lệ đậu quả đạt từ 80- 90%. Mô hình được đánh giá thành công, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp của địa phương. Đến nay thanh long ruột đỏ đã nhân rộng ra toàn xã với tổng diện tích 12 ha, trung bình mỗi năm cho ra thị trường trên 72 tấn sản phẩm, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình.
Việc trồng thanh long ruột đỏ tại xã Vĩnh Thủy hiện nay đang từng bước được chuyên nghiệp hóa. Toàn bộ diện tích trồng thanh long được quy hoạch thành vùng chuyên canh. Tháng 5/ 2018, UBND xã đã tiến hành tập hợp, tư vấn và hỗ trợ các nhà vườn trồng thanh long trên địa bàn thành lập HTX KD&DV Nông sản Tây Vĩnh Thủy với 26 thành viên. Việc thành lập HTX có ý nghĩa rất quan trọng, đây không chỉ là nơi để các nhà vườn học hỏi trao đổi kinh nghiệm mà còn tạo ra sự liên kết trong canh tác, tiến tới sản xuất theo hướng hàng hóa và thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu.
Từ sau khi thành lập, HTX đã vận động tất cả các thành viên chuyển dần sang canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Bên cạnh đó, HTX đã kết nối tìm kiếm được nhiều dự án hỗ trồng thanh long an toàn để chuyển giao kỹ thuật cho các thành viên; tiêu biểu như dự án “xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất thanh long ruột đỏ” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ cho 13 hộ gia đình trên diện tích 2,6 ha; dự án hỗ trợ trồng thanh long theo hướng hữu cơ của Phòng Nông nghiệp huyện trên diện tích 2 ha… Đặc biệt, để nâng cao chất lượng cho sản phẩm, HTX đã áp dụng các tiêu chuẩn VietGap trong quá trình trồng, chăm sóc và bảo quản trái thanh long. Ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn theo quy định, các thành viên còn có nhiệm vụ giám sát lẫn nhau để tạo sự thống nhất về chất lượng cho sản phẩm. Đồng thời nhiều thành viên cũng đã chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác như sử dụng hệ thống tưới và châm phân tự động, hệ thống giàn điện chiếu sáng. Nhờ đó, đến tháng 9/2018 sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX KD&DV Nông sản Tây Vĩnh Thủy đã được chứng nhận chuẩn VietGap.
Giám đốc HTX KD&DV Nông sản Tây Vĩnh Thủy Nguyễn Quang Hạnh cho biết: “Đạt chuẩn VietGap chính là một trong những yếu tố quan trọng để khẳng định chất lượng cho sản phẩm thanh long ruột đỏ của địa phương và tạo nên thương hiệu trên thị trường. Mặt khác hướng tới sản xuất hữu cơ, an toàn không chỉ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tăng năng suất cho chính các nhà vườn. Thực tế sản xuất cho thấy cây thanh long được trồng theo phương pháp hữu cơ phát triển tốt hơn, ít bị bệnh, khi thu hoạch đạt từ 20- 25 quả/trụ, cao hơn so với trước đây; quả to, ruột chắc, có vị ngọt đậm đà và mùi thơm đặc trưng”. Bên cạnh đó, để tạo được niềm tin từ phía người tiêu dùng và mở ra cơ hội “thông hành” thuận lợi cho trái thanh long, HTX đã chủ động phối hợp với UBND xã, Sở Nông nghiệp và PTNT, VNPT Quảng Trị tiến hành đăng ký, dán tem chứa mã QR truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.
Ngay trong lứa quả được gắn tem truy xuất đầu tiên, khi tung ra thị trường đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của đơn vị thu mua và người tiêu dùng. Ngoài ra HTX KD&DV Nông sản Tây Vĩnh Thủy cũng đặc biệt quan tâm đến việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Hằng năm thanh long ruột đỏ được đưa đi tham gia các hội chợ, triển lãm hàng nông sản, các cuộc bình chọn trong và ngoài khu vực. Tiêu biểu trong năm 2019, thanh long ruột đỏ được bình chọn và công nhận là sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu của huyện Vĩnh Linh, tham gia hội nghị kết nối cung cầu do huyện tổ chức, hội thảo hàng nông sản tại Đà Nẵng, tham gia bình chọn sản phẩm OCCOP cấp huyện và hướng tới cấp tỉnh.
Để xây dựng thành công thương hiệu cho trái thanh long, đến nay HTX KD&DV Nông sản Tây Vĩnh Thủy cũng đã hoàn thành hồ sơ, các thủ tục đăng ký xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm và trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt. Phấn đấu trong năm 2020 sẽ được công nhân nhãn hiệu. Đây được xem là “viên gạch” quan trọng đặt nền móng cho bước phát triển tiếp theo của trái thanh long ruột đỏ trên hành trình khẳng định thương hiệu; giúp người dân yên tâm mở rộng diện tích, tiếp tục đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng để trái thanh long trở thành nông sản có giá trị cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người nông dân.
Phương Nga