Trồng và chiết xuất thành công tinh dầu từ cây hương nhu 

(QTO) - Hương nhu là loài cây dại thường mọc hoang trên các vùng gò đồi, đôi khi được người dân trồng thành vài cụm ở trong vườn nhà để sử dụng trong ẩm thực, lấy lá nấu nước dùng để gội đầu, nấu nước lá xông và sử dụng để chữa một số bệnh. Nhận thấy hiệu quả của cây hương nhu, anh Đoàn Văn Linh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vanpa, xã Hải Phúc, huyện Đakrông đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm và chiết xuất thành công tinh dầu từ loài cây dại này.

Diện tích trồng hương nhu tại xã Triệu Nguyên, Đakrông. Ảnh: LA

 

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn trồng hương nhu có diện tích hơn 1,5 ha tại thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, anh Đoàn Văn Linh vừa cho biết: Năm 2017, HTX Vanpa được thành lập với 24 thành viên, trong đó có 20 thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều; hoạt động trong lĩnh vực trồng cây dược liệu, sản xuất các sản phẩm tinh dầu. Ngay từ khi thành lập, bên cạnh các loại cây dùng để chiết xuất tinh dầu truyền thống như sả, tràm, gừng… anh đã tìm tòi nghiên cứu và vận động các hộ thành viên tham gia trồng thử nghiệm cây hương nhu, một loài cây dại thường mọc hoang trên vùng gò đồi. Khi được hỏi về lý do chọn loài cây này, anh Linh cho hay: Tại nước ta, hương nhu có 2 loại là hương nhu trắng và hương nhu tía; trong đó hương nhu tía thường được trồng trong vườn nhà, hoa có màu tím, còn hương nhu trắng thường mọc hoang ở vườn đồi, ven bờ sông, hoa màu trắng, cây có kích thước lớn hơn, hàm lượng tinh dầu cao hơn. Cả 2 loại hương nhu từ xa xưa đã được sử dụng rộng rãi như một loại thảo dược thiên nhiên có nhiều tác dụng như trị cảm, chữa sâu răng, khử trùng, tăng sức đề kháng, giúp mọc tóc, chăm sóc tóc… Qua nghiên cứu, học hỏi, anh nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, thích nghi tốt với điều kiện đất đai cằn cỗi và có khả năng giữ nước cho đất. Do vậy, năm 2018 anh đã quyết định đưa loài “cây dại” này vào nhân giống, trồng với để lấy nguyên liệu chiết xuất tinh dầu trên diện tích 1,5 ha trước đây chủ yếu trồng các loại cây hoa màu có giá trị kinh tế thấp tại thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên.

 

Do là mô hình mới nên để các hộ dân tham gia thực hiện yên tâm sản xuất, HTX cung cấp cây giống, phân bón, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Theo anh Linh, hương nhu là loại cây bụi, thân thảo, ưa sáng, có biên độ sinh thái khá rộng. Khả năng tái sinh chồi của cây khá mạnh. Tại vùng trồng thử nghiệm cây hương nhu của HTX, chỉ sau 4 - 6 tháng trồng và chăm sóc, cây bắt đầu cho thu hoạch lá, cành non để làm tinh dầu. Sau khi cắt, từ gốc cũ cây hương nhu tiếp tục phát triển thân, cành mới và được thu hoạch định kỳ 2 - 3 tháng/lần. Hiện HTX đang thu mua cho các hộ thành viên với giá 1.000 đồng/kg lá, cành. Trung bình 1 ha trồng hương nhu cho thu hoạch khoảng 40 tấn nguyên liệu làm tinh dầu. Trao đổi với chúng tôi, chị Đỗ Thị Hạnh, một trong những hộ tham gia trồng hương nhu tại thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên cho biết: Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình trồng hương nhu, các hộ thành viên đều nhận thấy loài cây này rất phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương; có khả năng chống chịu nắng hạn và sâu bệnh rất tốt. Bên cạnh đó, so với trồng các loại cây hoa màu khác như ngô, sắn, đậu xanh… thì trồng hương nhu ít tốn công chăm sóc, lại cho thu hoạch liên tục nhiều vụ trong năm và trong nhiều năm nên giá trị kinh tế mang lại cao hơn hẳn. “Sau khi làm đất và trồng cây giống chỉ mất công chăm sóc trong khoảng một tháng đầu. Sau đó, mỗi lần cắt hái chỉ cần bổ sung thêm phân chuồng hoặc phân NPK để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây tiếp tục phát triển”, chị Hạnh cho hay.

 

Theo anh Linh, công đoạn khó khăn nhất, đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật cao trong quy trình trồng hương nhu chưng cất tinh dầu là việc xuống giống cây con. Nếu người trồng không có kinh nghiệm, không nắm vững kỹ thuật thì dễ thất bại ngay ở khâu này. Theo đó, hạt giống được anh thu gom ngoài tự nhiên và nhập từ Ấn Độ về với giá 15 triệu đồng/ kg. Sau khi chọn lựa kỹ càng, hạt giống được xử lý rồi đưa vào ươm trong bầu tại vườn ươm của HTX. Sau 2 - 3 tháng, khi cây đạt chiều cao từ 20 - 30 cm mới đưa ra trồng đại trà. Cây hương nhu mặc dù không kén đất nhưng nếu trồng trên đất quá xấu, nhiều sỏi đá, quá khô hạn cây sẽ sinh trưởng kém. Trước khi trồng đất cần cày bừa kỹ, để ải. Nếu đất thấp cần lên luống để tiện thoát nước, sau đó cuốc hố để trồng. Do tán cây lúc trưởng thành có thể đạt hơn 1 m nên khoảng cách giữa các cây ít nhất phải từ 50 cm trở lên.

 

Để có năng suất cao và ổn định, cần bón thêm phân chuồng ủ hoai, phân NPK và vôi bột để ổn định pH đất. Phân được trộn đều với đất theo hố rồi trồng cây con. Trồng xong cần tưới nước và tủ gốc để duy trì độ ẩm cho tới khi cây bén rễ. Khi cây con còn nhỏ hằng tháng cần làm cỏ, xới xáo, vun gốc. Khi cây đạt chiều cao từ 1,2 - 1,5 m, bắt đầu ra hoa là có thể thu hoạch thân, lá để chưng cất tinh dầu. Khi thu hoạch dùng dao sắc hoặc kéo cắt ngang cành chỉ để lại cách mặt đất từ 30 - 50 cm; đồng thời kết hợp tỉa bớt cành già để tập trung dinh dưỡng cho cành non phát triển. Nếu chăm sóc tốt, hương nhu có thể cho thu hoạch từ 3 - 5 vụ/năm và thu hoạch liên tục từ 5 - 7 năm với năng suất bình quân 40 tấn/ha/ năm. Với giá thu mua của HTX là 1.000 đồng/kg thì bình quân 1 ha trồng hương nhu cho thu nhập từ 40 triệu đồng/ha trở lên. Với chi phí ban đầu trồng 1 ha hương nhu từ 25 - 30 triệu đồng thì ngay trong năm đầu tiên thu hoạch, sau khi trừ chi phí người dân đã có lãi. Những năm sau không phải tốn chi phí kiến thiết cơ bản thì phần lãi ròng của người dân còn cao hơn. Thân, lá hương nhu sau khi thu hoạch được đưa vào chưng cất tinh dầu bằng phương pháp truyền thống. Bình quân 1 tấn nguyên liệu thu được từ 3 - 5 lít tinh dầu hương nhu. Tinh dầu hương nhu sau khi chiết xuất có màu vàng đến nâu nhạt.

 

Theo Đông y, tinh dầu hương nhu có tác dụng sát khuẩn nhờ tính ấm nồng, có khả năng cầm máu vết thương và giảm đau an toàn; giúp giải cảm, phòng chống cảm lạnh, say nắng; tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, đề phòng các bệnh ngoài da; giúp điều trị hiệu quả các bệnh rụng tóc, hói đầu, kích thích tóc mọc nhanh chóng. Đặc biệt, tinh dầu hương nhu rất tốt trong việc chăm sóc răng miệng, không chỉ giúp giảm cơn đau răng mà thành phần Eugenol có trong tinh dầu hương nhu còn được dùng trong cao đắp răng; bên cạnh đó, súc miệng với nước muối sinh lý pha tinh dầu hương nhu không những làm răng miệng thơm mát mà còn giúp chắc khỏe nướu, làm sạch vòm miệng và các bệnh viêm nha chu, viêm nướu. Hiện nay HTX Vanpa đang bán sỉ cho các đơn vị sản xuất dược phẩm với giá 1 triệu đồng/lít và bán lẻ với giá 110.000 đồng cho mỗi lọ có dung tích 10 ml. Để đảm bảo đủ nguyên liệu cho 2 lò chưng cất tinh dầu của HTX, từ 1,5 ha trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay đã nhân rộng ra thêm 3 ha tại thôn Kreng và Khe Van, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông; 5 ha trồng xen giữa lô cao su đang ở thời kỳ kiến thiết cơ bản tại Gio Linh. Với vùng nguyên liệu chủ động, tinh dầu hương nhu do HTX Vanpa sản xuất luôn đảm bảo giá trị tinh chất nguyên vẹn mà không có bất kỳ hóa chất, hương liệu nào can thiệp vào.

 

Chia sẻ về định hướng phát triển cây hương nhu trong thời gian tới, anh Linh cho biết: Trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở huyện Đakrông vẫn còn không ít diện tích đất trống, những vùng đất cằn cỗi bị bỏ hoang hoặc khai thác chưa hiệu quả. Do vậy, HTX dự kiến tiếp tục liên kết với nông dân mở rộng diện tích trồng cây hương nhu để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra còn đưa vào ươm trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu mới như húng quế, tía tô, bạc hà… để đa dạng hóa sản phẩm. Đối với sản phẩm tinh dầu hương nhu mang thương hiệu Vanpa, anh cũng đã hoàn thành các thủ tục liên quan đến kiểm định chất lượng, đăng ký mẫu mã sản phẩm, mã vạch, mã QR-code và bắt đầu đưa vào hệ thống nhà thuốc, quầy mỹ phẩm, siêu thị; mở rộng kênh phân phối, đại lý ở các tỉnh cũng như khai thác qua mạng xã hội facebook và các sàn giao dịch thương mại điện tử. “Nếu cây hương nhu nói riêng và các loại cây dược liệu khác nói chung được nhân rộng và khẳng định được giá trị kinh tế sẽ giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn có hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”, anh Linh nhấn mạnh.

 

Lê An

2935 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1633
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1633
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76226309