|
Gia đình chị Hoàng Thị Thúy Tình đang thu hoạch cây sắn dây- Ảnh: AV
|
Mô hình trồng sắn dây trên đất ruộng lúa được chị Hoàng Thị Thúy Tình triển khai trên diện tích 500 m2. Đây là diện tích đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp do ruộng treo không chủ động được nguồn nước. Để trồng sắn dây trên đất ruộng lúa, chị Tình thuê máy múc đất thành từng ụ to với đường kính khoảng 2 mét, cao 1,5 mét, sau đó trộn phân chuồng và xuống giống.
Với cách làm nay, mỗi sào trồng được gần 20 gốc. Chị Tình cho biết, trồng sắn dây trên ruộng lúa không khó bởi giống cây này có thể chịu được ngập úng và cả hạn, cây phát triển tốt, hầu như không có sâu bệnh, năng suất cao, lượng tinh bột nhiều, thậm chí cao hơn trồng trên đất gò đồi. Sau 1 năm triển khai, mô hình sắn dây bắt đầu cho thu hoạch, mỗi gốc cho năng suất trung bình 70 kg củ tươi tương đương 10 kg tinh bột. Như vậy 1 sào sắn dây đạt năng suất 1,4 tấn củ tươi với khoảng 220 kg tinh bột.
Hiện nay, cùng với việc trồng, gia đình chị Tình tự đầu tư máy móc để chế biến tinh bột thành phẩm bán ra thị trường với giá 150.000 đồng/kg, đầu ra sản phẩm tiêu thụ khá dễ dàng. Theo tính toán của chị Tình, 1 sào sắn dây trồng trên ruộng lúa cho doanh thu khoảng 33 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi 20 triệu đồng.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì việc chuyển đổi thành công mô hình trồng sắn dây trên đất ruộng lúa sẽ mở ra hướng đi mới cho nông dân để có thể đưa diện tích đất trồng lúa sang các loại cây trồng cạn, trong đó có cây sắn dây. Từ đó khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Anh Vũ