|
Nhiều diện tích lúa trên cát được nông dân chuyển qua trồng màu. Ảnh: VTH
|
Vụ đông xuân năm 2019- 2020, hơn 20% diện tích đất đang trồng lúa trên cát ở các xã ven biển huyện Triệu Phong đã xảy ra tình trạng mặn xâm nhập làm hư hại lúa. Trước thực trạng đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, vận động nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây phù hợp nhằm thích ứng với tình trạng mặn xâm nhập.
Sản xuất lúa trên cát là truyền thống lâu đời của nông dân các xã vùng cát nội đồng ở huyện Triệu Phong. Năng suất và sản lượng lúa trên cát không cao, bình quân mỗi héc ta cho thu hoạch từ 30- 40 tạ, song cũng đảm bảo được lương thực cho những hộ có đất trồng lúa. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nặng nề đến các vùng ven biển như nắng nóng gay gắt và kéo dài làm cho tình hình nước các sông, suối bị cạn kiệt, dẫn đến nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, nhiều diện tích đất trồng lúa bị nhiễm mặn không thể gieo cấy được.
Gia đình anh Lê Văn Ngoãn ở Thôn 8, xã Triệu Vân, Triệu Phong có 5 sào ruộng trên cát, trước đây gieo cấy mỗi năm 1 vụ cũng đủ lương thực cho cả nhà. Nhưng 2 năm trở lại đây, vụ nào ruộng của anh Ngoãn cũng bị cháy lúa khi đang trong giai đoạn lúa đẻ nhánh. Biết được tình trạng đất bị nhiễm mặn không thể gieo cấy lúa được nữa, anh Ngoãn đã chuyển những diện tích lúa bị thiệt hại sang trồng các loại cây khác phù hợp. Anh Ngoãn cho biết: “Trước tình trạng hạn hán và mặn xâm nhập như hiện nay thì gia đình tôi cũng như nhiều hộ ở đây không thể trồng được lúa nữa mà phải chuyển sang trồng các loại cây hoa màu. Vụ đông xuân vừa qua, tôi đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng khoai lang và dưa quả cho thu nhập khá”. Gia đình anh Ngoãn đã có thu nhập từ khoai lang và dưa quả với tổng giá trị gần 30 triệu đồng trên diện tích 5 sào ruộng bị nhiễm mặn, trong đó khoai lang gần 20 triệu đồng, dưa quả 10 triệu đồng. Vụ hè thu, gia đình anh Ngoãn triển khai trồng đậu đen xanh lòng.
Xã Triệu Vân chỉ có 138 ha lúa trên cát nhưng hằng năm tình hình hạn hán, mặn xâm nhập làm cho diện tích ruộng gieo trồng lúa của xã cứ thu hẹp dần, đến vụ đông xuân 2019 - 2020 toàn xã có 23 ha diện tích đất lúa không thể tiếp tục gieo trồng được. Một số diện tích đất nhiễm mặn nồng độ cao đã làm cho lúa bị cháy không thể đẻ nhánh buộc người dân phải nhổ lúa trồng màu. Tình hình hạn hán đang diễn ra ngày càng gay gắt thì việc mặn lấn sâu vào trong nội đồng cũng ngày càng rộng hơn. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp là giải pháp đã được chính quyền chỉ đạo và được người dân các xã ven biển hưởng ứng tích cực. Việc đưa vào trồng các loại cây chịu mặn khá như khoai lang, dưa gang, dưa quả, dưa hấu, đậu các loại... một mặt tạo thêm thu nhập cho người dân ngoài làm nghề biển, mặt khác không để hoang hóa đất đai, ngăn chặn tốc độ sa mạc hóa, bảo vệ môi trường sinh thái.
Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân Nguyễn Văn Lâm cho biết: “Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của xã gặp nhiều khó khăn do hạn hán và mặn xâm nhập. Vụ hè thu này, chính quyền đã chỉ đạo nông dân chuyển sang trồng màu để đảm bảo thu nhập ổn định. Các loại cây chịu mặn và chịu hạn tốt được ưu tiên như khoai lang, đậu đỗ, dưa các loại… Nhiều hộ chuyển đổi cây trồng từ vụ đông xuân cho thu nhập khá. Vụ hè thu này, đa số hộ dân chuyển sang trồng đậu các loại và dưa quả”.
Không chỉ các xã ven biển mà các xã ven sông ở cuối các nguồn nước tưới và những diện tích không chủ động tưới của huyện Triệu Phong do tình hình hạn hán cũng gây ra mặn xâm nhập khá nhiều diện tích. Hiện toàn huyện có khoảng 57 ha lúa bị nhiễm mặn. UBND huyện tích cực chỉ đạo các địa phương có diện tích lúa bị nhiễm mặn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải cho biết: “Huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình trạng đất bị nhiễm mặn ở các xã ven biển. Nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác sẽ là hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã giúp nâng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, đảm bảo thu nhập cho người dân”.
Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng nhiễm mặn phát huy hiệu quả kinh tế cao, nông dân cần sự định hướng, lựa chọn các cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu, tập huấn nâng cao trình độ canh tác các loại cây trồng mới, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Quan trọng hơn nữa là chính quyền cần có sự chỉ đạo chặt chẽ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải nằm trong quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương, tránh việc phát triển tự phát các loại cây trồng, dẫn đến trồng tràn lan một loại cây dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp.
Võ Thái Hòa