|
Cây ba kích tím được đánh giá phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng ở Quảng Trị - Ảnh: P.V.T
|
Mô hình được triển khai tại xã Gio Bình, huyện Gio Linh và xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh với 3 hộ tham gia. Kết quả sau hơn 1 năm triển khai, bước đầu đánh giá cây ba kích tím phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng tại các địa phương, với tỉ lệ sống của cây đạt 95%; chiều dài thân đạt bình quân 1,2 m; số cành cấp 1 đạt bình quân 5 cành/cây; có nhiều cây hình thành nhánh cấp 2, cấp 3, hiện cây đang hình thành củ, bình quân 5 - 6 củ/cây. Hiện nay mô hình trồng cây ba kích tím đang bước vào thời kì chăm sóc năm 2.
Sản phẩm quan trọng của cây ba kích tím là rễ củ. Đây là một loại dược liệu quý có nhiều công dụng như bổ thần kinh, bổ gân cốt, giảm xơ cứng động mạch. Theo y học cổ truyền, rễ ba kích vị ngọt, cay, hơi ấm không độc; có tác dụng bổ thận, tráng dương, ích tinh, cường gân cốt.
Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây ba kích, các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại để có biện pháp chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời ở những năm tiếp theo, làm cơ sở để tuyên truyền, khuyến cáo trước khi nhân rộng mô hình trồng ba kích tím trên địa bàn.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phan Ngọc Đồng cho biết việc triển khai mô hình không chỉ góp phần bảo tồn một loài lâm sản ngoài gỗ quý mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.
“Đây là mô hình trồng ba kích tím đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh, trong thời gian đến chúng tôi sẽ chỉ đạo chăm sóc mô hình năm 2, năm 3, qua đó làm cơ sở để khuyến cáo nhân rộng mô hình.
Thông qua mô hình trồng cây ba kích tím sẽ từng bước giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết tận dụng mọi tiềm năng về đất đai, trồng và phát triển cây dược liệu, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên cây dược liệu trên địa bàn tỉnh”, ông Đồng nói.
Phan Việt Toàn