|
Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Dự án 513 phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
|
Quảng Trị có đường bờ biển dài khoảng 75km chạy dài. Mục đích xác định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo tỉnh Quảng Trị nhằm phân định rõ đường ranh giới hành chính trên biển, các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên vùng biển tỉnh Quảng Trị thuộc phạm vi của 13 xã, thị trấn thuộc 5 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; phục vụ công tác quản lý hành chính trên biển, phát triển KT-XH, QP-AN.
Đường địa giới hành chính của 13 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Trị được xác định đến đường bờ nước vẽ trên bản đồ; chưa xác định được ranh giới hành chính từ đường bờ biển nước ta ra đến đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của thềm lục địa Việt Nam theo tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12/11/1982 và phạm vi quản lý các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm trên vùng biển Việt Nam.
Thực tế đó đã và đang nảy sinh những bất cập mang tính tự phát trong quản lý, gây nên nhiều tranh chấp, chồng lấn về đất đai, về vùng nuôi trồng thủy sản, về tài nguyên khoáng sản... Từ đó, yêu cầu việc xác định ranh giới nhằm phân định rõ ràng, chính xác đường ranh giới quản lý hành chính biển, đảo các cấp xã, huyện, tỉnh từ điểm địa giới cuối cùng trên đất liền ra đến đường cơ sở.
Mục tiêu chính đặt ra là xây dựng nguyên tắc, phương án tốt nhất để phân định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo đối với cấp tỉnh, huyện, xã để khép kín đến đường cơ sở và xác định rõ phạm vi quản lý các bãi bồi cửa sông, các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trong vùng nội thủy thuộc 20 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Trị để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước vùng ven biển.
Tại hội nghị, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Tài nguyên- Môi trường và Bản đồ Việt Nam triển khai các nội dung như: Quy tắc, quy trình trong xây dựng phương án phân chia ranh giới quản lý hành chính biển, đảo, các nội dung kỹ thuật cần thực hiện tại địa phương; Phương án chia ranh giới hành chính quản lý biển đảo các cấp được Bộ TN&MT, Bộ Nội vụ chấp thuận; Kế hoạch và phương thức tổ chức phân định ranh giới quản lý hành chính biển đảo với UBND cấp xã, huyện ven biển và các tỉnh ven biển tiếp giáp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Dự án 513 nhấn mạnh: Từ khi thực hiện Chỉ thị 364/CT ngày 6/11/1991 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới thực hiện được việc xác định đường địa giới hành chính trên toàn quốc trên đất liền, chưa xác định đường ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo.
Đây là công việc hoàn toàn mới không chỉ đối với tỉnh Quảng Trị mà còn mới với cả các cơ quan Trung ương, do vậy cần phải thống nhất từ Trung ương đến địa phương những nguyên tắc cơ bản và phương pháp để áp dụng vào việc xác định ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo cho các địa phương quản lý để tránh làm nảy sinh những bất cập, quản lý chồng chéo gây nên tranh chấp, chồng lấn về đất đai, vùng nuôi trồng thủy sản, tài nguyên khoáng sản…
Bên cạnh đó việc xác định rõ đường ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm phạm vi xã, huyện, tỉnh có biển từ điểm địa giới cuối cùng trên đất liền ra đến đường cơ sở là việc làm hết sức quan trọng và cấp thiết.
Đồng chí Hà Sỹ Đồng yêu cầu UBND các xã, thị trấn và huyện ven biển cần thống nhất phương thức và phối hợp với đơn vị thi công để có phương án phân định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo hợp lý nhất.
Hoài Nhung