Các chủng loại vắc xin tiêm phòng đối với trâu bò là vắc xin tụ huyết trùng trâu bò nhũ hóa; vắc xin lở mồm long móng nhị giá type O&A; vắc xin ung khí thán. Đối với lợn các vắc xin tiêm phòng là vắc xin kép (Tụ huyết trùng + Phó thương hàn); vắc xin dịch tả; vắc xin E.coli phù đầu (tiêm phòng cho lợn nái và lợn con); vắc xin tai xanh. Đối với chó, sẽ tổ chức tiêm vắc xin dại chó tại những điểm chưa tổ chức tiêm phòng vụ xuân năm 2020, đồng thời rà soát tổ chức tiêm ở những địa phương có tỉ lệ tiêm đạt thấp. Đối với gia cầm sẽ tiêm phòng vắc xin H5N1, dịch tả vịt, viêm gan vịt, tụ huyết trùng gia cầm, đậu gà, niu-cat-xơn, gum-bô-rô,...
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đào Văn An cho biết: Toàn tỉnh có hơn 70 ngàn hộ chăn nuôi nhưng chủ yếu vẫn là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh nên luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát và dễ bị tổn thương khi thị trường bất ổn. Trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt yêu cầu bảo hộ dịch bệnh thì tỉ lệ tiêm phòng phải đạt từ 80% tổng đàn trở lên.
Vì vậy các hộ chăn nuôi cần phải thực hiện nghiêm túc quy trình tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và cán bộ thú y cơ sở.
“Để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giải pháp xuyên suốt và lâu dài là các địa phương cần khuyến khích chuyển nhanh hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu sang chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp theo hướng trang trại tập trung sản xuất hàng hóa, cách xa khu dân cư. Sử dụng con giống năng suất cao, chất lượng tốt. Áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi gắn liền với thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường”, ông An nói.
Phan Việt Toàn