Triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi 

(QT) – Hôm nay 13.5.2019, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng.
  • Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị

 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh DTLCP, từ năm 1996 - 2019 bệnh DTLCP đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia, phải tiêu hủy hàng chục triệu con lợn và chi hàng chục tỉ USD cho công tác phòng chống dịch bệnh. Tại Việt Nam, tính đến ngày 12/5/2019, bệnh DTLCP đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con (chiếm khoảng hơn 4% tổng đàn lợn của cả nước); trong đó có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Đến nay, đã có tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

 

Tại tỉnh Quảng Trị, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay bệnh DTLCP đã xảy ra tại 5 hộ chăn nuôi gồm 4 hộ ở huyện Hải Lăng và 1 hộ tại TP. Đông Hà, với tổng số 73 con bị bệnh, chết buộc tiêu hủy, tổng trọng lượng 3.970 kg. Qua điều tra, bước đầu xác định nguyên nhân xảy ra dịch là do chủ hộ lấy thức ăn dư thừa từ các nhà hàng, quán ăn về cho lợn ăn nhưng không nấu chín. Để kịp thời phòng, chống dịch bệnh, tỉnh đã thành lập 3 chốt kiểm dịch liên ngành trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh giáp với tỉnh Quảng Bình và tỉnh Thừa Thiên - Huế để kiểm soát phương tiện vận chuyển lợn qua địa bàn; UBND huyện Hải Lăng cũng thành lập 4 chốt kiểm dịch tại các trục đường giao thông tiếp giáp với huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; sử dụng gần 9.000 lít hóa chất, 48 tấn vôi bột để tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi.

 

Tuy nhiên, do đây là bệnh rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát; dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước, đặc biệt là tại các nước có chung đường biên giới với nước ta, trong khi các hoạt động thương mại, du lịch đa dạng, khó kiểm soát nên việc ngăn chặn dịch bệnh từ các nước vào Việt Nam còn nhiều khó khăn.

 

Bên cạnh đó, chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ ở nước ta còn trên 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, mật độ chăn nuôi rất cao, đan xen trong các khu dân cư, nhất là tại các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, do vậy việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn các yếu tố làm lan truyền mầm bệnh như chuột, gián và các loại côn trùng khác... để cắt đứt các nguồn lây nhiễm là rất khó; mặt khác diễn biến thời tiết hiện nay rất phù hợp cho dịch bệnh lây lan. Do vậy, trong thời gian tới nguy cơ bệnh DTLCP lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch; tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh có nguy cơ tái phát; đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.

 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP. Đồng thời thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại như: Một số địa phương chưa huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, chưa chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời thông tin, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác, chậm công bố dịch; chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh làm lây lan dịch bệnh; một số địa phương chưa tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện; kĩ thuật tiêu hủy không bảo đảm, lợn bệnh vận chuyển từ hộ chăn nuôi đến nơi tiêu hủy bằng phương tiện thô sơ nhưng không được che chắn kĩ; có trường hợp chưa bố trí lực lượng tiêu hủy lợn kịp thời, để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự ý tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường; chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc tiêu hủy và chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh…

 

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh DTLCP gây ra trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xác định việc phòng, chống bệnh DTLCP là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; giao Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Văn phòng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP để Ban cán sự đảng Chính phủ trình Ban Bí thư sớm xem xét, ban hành.

 

Giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét các chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy; phê duyệt các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ công tác phòng, chống bệnh DTLCP và hợp tác quốc tế, chuyển giao hoặc mua công nghệ sản xuất vắc xin phòng bệnh DTLCP khi các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài nghiên cứu thành công.

 

Giao Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc giết mổ lợn trong vùng dịch; cơ sở giết mổ đạt yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được phép nhập lợn từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP trong và ngoài tỉnh để giết mổ và xuất bán các sản phẩm lợn sau khi giết mổ ra ngoài vùng dịch dưới sự giám sát của cơ quan thú y; hướng dẫn các địa phương thành lập 5 trạm kiểm dịch quốc gia đảm bảo các yêu cầu kiểm soát vận chuyển động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục quốc lộ Bắc Nam; xây dựng đề án tái cấu trúc ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng; củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống thú y địa phương do đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp trong phòng, chống dịch; vận động người dân và các doanh nghiệp tổ chức tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, xây dựng các vùng nuôi an toàn sinh học… cũng như phát triển các sản phẩm chăn nuôi phù hợp thay thế cho lợn.

 

Giao các bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia căn cứ chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo hệ thống ngành dọc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan phục vụ công tác phòng, chống bệnh DTLCP. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.

 

Đối với các tỉnh, thành phố trong kế hoạch tổ chức chỉ đạo ứng phó với bệnh DTLCP phải có phương án cụ thể để tiêu hủy lợn bệnh phù hợp với cấp độ xảy ra, huy động tất cả các lực lượng, kể cả lực lượng vũ trang, trong việc phòng, chống bệnh DTLCP.

 

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, chung sức với ngành nông nghiệp để tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung và bệnh DTLCP nói riêng; đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

 

Lê An

338 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1087
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1087
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87147459