Tổng Bí thư Lê Duẩn “lòng vẫn đậm tình thương, lẽ phải” 

(QT) - Bên cạnh là người chiến sĩ cộng sản kiên định, tinh thần ý chí gang thép, không khuất phục kẻ thù, ở đồng chí Lê Duẩn vẫn luôn thể hiện tình cảm nhân hậu, tình yêu thương con người sâu đậm và một ý chí quyết tâm, đấu tranh cho công bằng, lẽ phải. Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “Nhớ về anh” đã giới thiệu khái quát về quê quán và những phẩm chất của đồng chí Lê Duẩn: “Đồng bào, đồng chí nhớ anh/ Người con của làng nghèo chợ Sãi/ Xác xơ mấy túp lều tranh/ Nóng bỏng cát đồi Triệu Hải/ Bữa cháo rau, đùm bọc nhau lá rách lá lành/Lòng vẫn đậm/ Tình thương và lẽ phải...”.

Khi được hỏi những ấn tượng về cha mình, anh Lê Kiên Trung, con trai của đồng chí Lê Duẩn cho rằng: “Ký ức bao trùm trong tôi về ba có lẽ là ký ức về tình thương”. Nhà báo hỏi tiếp: “Điều đặc biệt nhất mà anh cảm nhận ở ba mình?”. Trả lời: “Cũng là tình thương”. Anh nói thêm: “Nhiều người đi làm cách mạng từ lý tưởng, từ lý trí nhưng ba tôi đi làm cách mạng bắt đầu từ tình thương”. Đó là một nét khác biệt rất đáng chú ý. Nhiều người cứ tưởng đồng chí Lê Duẩn luôn lạnh lùng, cứng rắn nhưng ẩn chứa đằng sau tính kiên quyết, nghị lực phi thường là những tình cảm sâu nặng, là nỗi niềm lo cho dân, cho đất nước. Tình thương ở đồng chí Lê Duẩn trước hết là tình yêu thương con người. Lúc nào và ở đâu thấy những người nghèo khổ, đồng chí đều thể hiện một tình cảm thương yêu sâu sắc.

 

Sống trong xã hội cũ chứng kiến bao nỗi đau của người dân dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, đồng chí sẵn sàng từ bỏ công việc nhân viên thư ký đề-pô Sở Hỏa xa Đông Dương, tại Hà Nội để đi theo cách mạng, với một ý chí và nghị lực phi thường, sẵn sàng chịu đựng hy sinh, gian khổ để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hai lần bị bắt và kết án tù với thời gian kéo dài hàng chục năm nhưng đồng chí không nao núng tinh thần mà biến nhà tù thành trường học cách mạng, làm phong phú, đầy đặn kiến thức của mình. Cũng bởi lối sống giàu tình thương và lẽ phải nên trong những năm hoạt động ở chiến trường miền Nam, đồng chí đã có sức thu hút, lôi kéo được nhiều nhân sĩ, trí thức đi theo cách mạng.

 

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng: “Anh Ba Duẩn có sức hấp dẫn và chinh phục tuyệt vời đối với các nhà trí thức, các vị nhân sĩ, các vị đứng đầu giáo phái”. Cũng bởi lòng dào dạt tình thương mà Xứ ủy Nam Bộ, đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn có chỉ thị “nếu bắt được binh lính địch phải đối xử tử tế, không cho phép ai tra tấn, hành hạ”. Tình cảm này là sự tiếp nối truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Khi một số vùng của miền Nam được giải phóng (trong kháng chiến chống Pháp) đồng chí là người đề xướng việc xóa bỏ tô tức, cấp ruộng đất thỏa đáng cho người dân, không ai thắc mắc, cả điền chủ và nông dân đều vui vẻ, đoàn kết.

 

Có được kết quả đó là nhờ đồng chí làm việc dân, việc nước luôn có tình thương và lẽ phải. Ông Đống Ngạc, người có nhiều năm làm trợ lý, gần gũi với Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chia sẻ: “Về tình cảm đồng chí sống trung thực, giản dị, không ham danh lợi, địa vị, ghét bệnh phô trương hình thức, ghét thói quan liêu. Tổng Bí thư là người giàu lòng nhân ái, cởi mở, luôn gần gũi đồng bào, đồng chí, dễ hòa mình với nhân dân lao động. Đồng chí đến với mọi người bằng tình thương yêu tha thiết, chân thành, lòng nhân hậu khoan dung, cảm hóa thuyết phục họ bằng tình thương và lẽ phải… Đồng chí luôn trọn nghĩa vẹn tình”.

 

Ông Chu Trọng Bình 13 năm làm cận vệ cho Tổng Bí thư kể: “Từng nhiều lần tháp tùng Tổng Bí thư Lê Duẩn sang thăm Liên Xô, có một điều để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm là cách xử sự không hề cách biệt của Tổng Bí thư đối với anh em chúng tôi trong các bữa ăn. Hồi đó, lúc đầu phía bạn bố trí bác Lê Duẩn ngồi ăn một bàn cùng cán bộ của Liên Xô, còn các bác sĩ, bảo vệ, phục vụ ngồi ăn riêng bàn khác. Bác Lê Duẩn nói với họ: “Tôi sống được đến bây giờ, có ba người đã chết thay tôi để tôi hoạt động cách mạng. Hàng ngày, các chú đây phục vụ tôi” - bác Duẩn chỉ vào chúng tôi rồi nói tiếp - “Ngoài công việc, tôi coi như bạn bè, rất quý các chú, ăn uống không phân biệt”. Từ đó trở đi, tôi thấy họ sắp xếp chúng tôi ngồi ăn cùng bàn với Tổng Bí thư”.

 

Cũng xuất phát từ tình thương mà khi đã ở vị trí cao trong Đảng, Tổng Bí thư vẫn đau đáu nỗi niềm làm sao để mỗi người dân có đủ cơm ăn, áo mặc, cuộc sống đủ đầy hơn trước. Trong bài “Những con người của đổi mới vĩ đại” đăng Báo Tiền Phong, ra ngày 9/2/2016, nguyên Phó Thủ tướng, GS. Trần Phương kể: Trong một cuộc họp ở Đồ Sơn vào những năm 1960, Tổng Bí thư đã nổi nóng với Chính phủ: “Chúng ta cầm quyền mà không lo nổi rau muống và nước lã cho dân thì nên từ chức đi…”. Anh Tô (Phạm Văn Đồng) không nói một lời. Tôi rất thông cảm với anh về cái khó của Chính phủ. Muốn có rau muống thì phải có gạo. Muốn có nước lã (nước máy) thì phải có ngoại tệ. Cả hai thứ đó, Chính phủ đều gặp khó khăn.

 

Cả cuộc đời, nhất là những năm tháng cuối, anh Ba đã lo nghĩ quá nhiều về miếng cơm manh áo cho người dân”. Tình thương ở đây không chỉ là tình cảm gia đình mà còn tình cảm đồng bào, đồng chí, ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước. Trước lúc chia tay vợ, con để ở lại miền Nam, đồng chí Lê Duẩn nói với vợ: “Anh thương vợ con anh như thế nào, thì anh cũng thương đồng bào, đồng chí của mình như thế, cho nên anh phải ở lại, cùng với đồng bào, đồng chí miền Nam chiến đấu để giành độc lập thực sự”. Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn quý trọng tình cảm đồng đội, đồng chí.

 

Hàng chục năm trôi qua, đồng chí vẫn nhớ mãi tấm áo mà người bạn tù, trước khi chết đã trao lại cho mình và luôn suy nghĩ sống sao cho xứng đáng với những đồng chí đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng nhiều người trong chế độ cũ sợ bị trả thù nên tìm cách trốn tránh, có người bỏ đi nước ngoài nhưng đồng chí Lê Duẩn cùng với Đảng, Chính phủ nhất quán thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, mở rộng vòng tay để những người đi lạc đường trở lại với đại gia đình dân tộc Việt Nam. Những người làm chế độ cũ được đi học tập cải tạo, được tuyên truyền, giáo dục, tham gia lao động sản xuất, sau đó trở về với gia đình người thân.

 

Quan điểm hòa hợp dân tộc của đồng chí Lê Duẩn xuất phát từ lòng thương người bao la. Những năm sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí thường xuyên căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước: “Sống là phải yêu lao động, giàu tình thương và trọng lẽ phải”. Nói rộng ra đó là tình cảm cách mạng của người chiến sĩ cộng sản. Yêu nước thì phải thương dân, có tình cảm, trách nhiệm với người dân. Sinh thời đồng chí cũng luôn quan tâm bồi dưỡng tình cảm, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Xây dựng họ trở thành những con người mới xã hội chủ nghĩa mà đặc trưng nổi bật là làm chủ tập thể, lao động, yêu xã hội chủ nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản. Đó cũng là sự kết tinh và phát triển nên những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn và cốt cách Việt Nam. Đồng chí căn dặn các thầy cô giáo “càng yêu người bao nhiêu thì càng yêu nghề bấy nhiêu”. Lớn hơn tình yêu con người là tình yêu đất nước sâu sắc, vì yêu nước mà đồng chí không nề hà khó khăn, nguy hiểm, hoạt động sâu trong lòng địch.

 

Sau này khi ra Hà Nội được Bác Hồ giao cho vị trí cao, đồng chí đã dành toàn bộ tâm lực, trí lực cho việc nước nên đã có những quyết sách đúng đắn mà đỉnh cao là những quyết định táo bạo, quyết đoán về giải phóng miền Nam. Cũng xuất phát từ tình cảm yêu thương con người, yêu đất nước mà đồng chí luôn đấu tranh cho công bằng, lẽ phải. Thể hiện rõ nhất là ý thức không cam chịu ách thống trị của thực dân, không chịu cảnh nước lớn ức hiếp nước nhỏ. “Lẽ phải” ở đây còn là lý tưởng cách mạng, là “mặt trời chân lý”, khát vọng đấu tranh để mang lại tự do, cuộc sống ấm no, bình đẳng cho người dân. Sống trong chế độ thực dân, phong kiến, thấy rõ sự bất công và nỗi đau của người dân nên đồng chí luôn có ý thức phản kháng và khi đã tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác -Lênin thì nhanh chóng giác ngộ và đi theo con đường ấy với một niềm tin, mơ ước cháy bỏng về một tương lai đất nước có nhiều đổi thay; người dân có đủ cơm ăn, áo mặc, được làm chủ cuộc sống của mình, tự do tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước… “Tình thương và lẽ phải” luôn đi đôi với nhau, trong tình thương có lẽ phải và trong lẽ phải có tình thương.

 

Hành động phải có lẽ phải dẫn dắt mới có sức mạnh để đấu tranh tới cùng cho chân lý. Vì nắm được lẽ phải nên đồng chí luôn tin tưởng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn. Theo Giáo sư Hoàng Chương “trong các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, cho đến những diễn đàn chính trị công khai, hầu như tất cả những người tham gia tranh luận đều bị đồng chí Lê Duẩn chinh phục, cảm hóa bởi lý lẽ sắc sảo và tình cảm nồng nhiệt về con đường cách mạng mà dân tộc phải đi và phải đến”. Đồng chí luôn thể hiện tình cảm đúng và lý trí đúng nên có sức thuyết phục cao. Nói tới “tình thương và lẽ phải” cũng là nói tới tình cảm và lý trí, đó là hai yếu tố quan trọng nhất trong mỗi con người, nhất là người cách mạng. Hai yếu tố này được đồng chí kế thừa từ truyền thống yêu nước, thương dân; truyền thống đấu tranh cho chính nghĩa, lẽ phải của dân tộc, làm nên sức mạnh, bản sắc và nhân cách lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

 

Phước An

1980 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1160
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1160
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87157702