|
Theo quy định, những tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên nhưng công suất dưới 90 CV phải chuyển sang hoạt động ở vùng khơi và phải lắp đặt thiết bị GSHT -Ảnh: T.Q
|
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Huân cho biết, đối với 31 tàu cá có có chiều dài từ 15 m trở lên, đồng thời có công suất từ 90 CV trở lên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu cá thực hiện việc lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định; đồng thời phối hợp với các đồn biên phòng ven biển, Văn phòng Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Cửa Việt và Cảng cá Cửa Tùng không cho số tàu này xuất bến đi khai thác thủy sản khi chưa thực hiện lắp đặt thiết bị GSHT. Thời gian hoàn thành trước 30/11/2020.
Riêng đối với khối tàu có chiều dài từ 15 m trở lên nhưng công suất dưới 90 CV, trước đây hoạt động tại vùng lộng nhưng sau khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực thi hành thì khối tàu này phải chuyển sang hoạt động tại vùng khơi và phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, các chủ tàu gặp nhiều khó khăn, nghề khai thác cũng như vấn đề an toàn không phù hợp với hoạt động tại vùng khơi.
Đặc biệt, khối tàu này tuy có chiều dài lớn nhất trên 15 m nhưng chiều ngang nhỏ, khoang máy nhỏ hẹp, chủ yếu lắp máy công suất từ 33 – 45 CV, không bảo đảm an toàn cho người và tàu cá khi sóng gió cấp 4, cấp 5; vật liệu gỗ và liên kết cấu kiện không đảm bảo đủ chịu đựng sóng gió cấp 4, cấp 5. “Để có phương án giải quyết, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị cử cán bộ có kinh nghiệm về hỗ trợ tỉnh trong việc khảo sát tính năng kỹ thuật, quy mô hoạt động… của khối tàu này để có giải pháp quản lý phù hợp, đúng quy định”, ông Huân cho biết thêm.
Thục Quyên