|
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị
|
Theo đánh giá của BCĐ 138 Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, tình hình tội phạm trong năm 2018 được kiềm chế nhưng tính chất, mức độ vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng, tội phạm có tổ chức, băng nhóm liên quan đến “bảo kê”, “tín dụng đen”, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật. Tội phạm mua bán người đã xuất hiện tình trạng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, sau đó bị đưa bán sang nước thứ ba. Tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu giảm nhưng tình trạng “tham nhũng vặt” diễn ra trong nhiều lĩnh vực. Tội phạm sử sụng công nghệ cao diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nổi lên là hoạt động trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng để làm giả thẻ thanh toán dịch vụ, rút tiền qua máy ATM. Tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường diễn biến phức tạp, đặc biệt trên lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hoạt động buôn lậu diễn ra phức tạp tại các tuyến biên giới phía Bắc, tuyến biên giới Tây Nam Bộ, tại các cảng hàng không quốc tế, trên tuyến đường biển. Trên thị trường nội địa, tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hành như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng, mỹ phẩm, dược liệu, thực phẩm, thực phẩm chức năng…
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tội phạm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nên tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, ổn định thị trường được đảm bảo, góp phần phục vụ đắc lực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại đất nước.
Trước những diễn biến tình hình phạm pháp hình sự và hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra trong năm 2018 và dự báo diễn biến trong thời gian tới, hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận, xây dựng các giải pháp mang tính bền vững nhằm phòng, chống tội phạm và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 05/KL/TW, Chỉ thị số 48-CT/TW và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chiến lược, chương trình của Chính phủ chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tích cực tham gia, phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Kiện toàn và phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của các cơ quan bảo vệ pháp luật, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các hoạt động phạm pháp có tổ chức; mở các đợt cao điểm đấu tranh, tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt là các băng nhóm tội phạm, tội phạm nguy hiểm, tội phạm sử dụng vũ khí nóng, tội phạm cướp tài sản, giết người, chống người thi hành công vụ, tín dụng đen, xâm hại trẻ em; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án trọng điểm, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các lực lượng chức năng nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh, ngăn chặn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng BCĐ 138 Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã góp phần kiềm chế tội phạm, tình hình trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, mang lại cuộc sống yên bình cho người dân và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập và các nguyên nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thời gian qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương. Làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình để có các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, xử lý các vụ án, tội phạm gây bước xúc dư luận. Tổ chức phòng chống ngay trong chính lực lượng chức năng, kiên quyết xử nghiêm đối với các cán bộ vi phạm. Làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý tốt các tin báo, tố giác, tranh thủ các nguồn tin từ báo chí.
Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các loại tội phạm có tổ chức, băng nhóm, tội phạm “tín dụng đen”; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đối với lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, các mặt hàng liên quan đến đời sống, sản xuất nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đẩy mạnh mở rộng quan hệ đối ngoại trong đấu tranh, phòng chống. Các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt vai trò, chức năng đã được các BCĐ phân công nhiệm vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra trong năm 2019 và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Lê Minh