Tọa đàm trực tuyến “Lộ trình thay đổi hình thức quản lý hộ khẩu” tại Trụ sở Báo Nhân Dân
 
 Khách mời tham gia tọa đàm trực tuyến gồm có: Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an; Cục Trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp, Nguyễn Công Khanh; Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - Tổng cục Cảnh sát; Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - Tổng cục Cảnh sát; Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP Hà Nội. Về phía Báo Nhân Dân, có đồng chí Phan Huy Hiền, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; đồng chí Phạm Song Hà, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng ban Chính trị - Xã Hội, Báo Nhân Dân, đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng ban Nhân Dân điện tử.

Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phan Huy Hiền cho biết: Phát triển ứng dụng Thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực có liên quan như: Giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác có liên quan. Từng bước kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phấn đấu đến cuối năm 2020, đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm các loại giấy tờ công dân khác như: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ mã số thuế cá nhân và các giấy tờ khác có liên quan. Và với tinh thần kiến tạo, hành động quyết liệt, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, ngày 30/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112 về việc phê duyệt đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý công dân thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an. Ngày sau khi ban hành, nhiều nội dung trong Nghị quyết 112 liên quan đến việc thay đổi hình thức quản lý bằng hộ khẩu giấy và các giấy tờ cá nhân rất được dư luận và người dân quan tâm.

Để hiểu đúng về thông tin “bỏ hộ khẩu?" và cách hiểu của nhiều người dân về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân sẽ không còn hiệu lực từ ngày 30/10/2017 có chính xác hay không, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết: Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Theo đó, tại Điều 2. Nghị quyết có quy định: “Giao Bộ Công an căn cứ nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ thông qua trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Như vậy, việc đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp chứng minh nhân dân sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi dự án được hoàn thành, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình triển khai thực hiện việc cắt bỏ thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân. Vì vậy, thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân từ ngày 30/10/2017 là không chính xác. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như hiện nay. 

Việc cấp hộ chiếu cũng đã được Công an TP Hà Nội triển khai bằng hình thức tờ khai điện tử

Trả lời về phản ứng của dư luận về thông tin này, đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP Hà Nội: Sau khi Nghị quyết 112 của Chính phủ ban hành về phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đó có vấn đề liên quan đến bỏ hình thức quản lý đăng ký thường trú bằng hộ khẩu thay thế bằng mã số định danh cá nhân, qua trao đổi và ý kiến trực tiếp của người dân liên quan chức năng quản lý cư trú, nhiều người dân vui mừng vì được hạn chế, giảm bớt thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nhiều người dân lo lắng về bảo đảm quyền lợi của mình khi không còn sổ hộ khẩu. Nhiều người dân lo lắng khi không còn sổ hộ khẩu thì con em mình học tập tại các trường như thế nào. Hiện trẻ em chưa được cấp căn cước công dân thì giấy tờ nào chứng minh thường trú tạm trú tại khu vực mình nhập học. Vấn đề nữa người dân lo lắng là khi thông tin được điện tử hóa, tính chất bảo đảm bí mật cá nhân có được bảo mật không khi chia sẻ trên internet. Đó là những lo lắng mà chúng tôi ghi nhận thời gian qua.

Một nội dung bạn đọc hỏi là có tiếp tục làm thủ tục hộ khẩu thường trú hay không, vừa rồi đồng chí Trần Văn Vệ đã trả lời cụ thể. Từ nay đến khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành và đưa vào vận hành, người dân vẫn tiếp tục làm tất cả các thủ tục đăng ký các thủ tục thường trú, tạm trú, tạm vắng, đăng ký CMTND bình thường không có gì thay đổi theo quy định hiện hành. Đại úy Nguyễn Thành lâm cho biết.

Trả lời câu hỏi về việc triển khai quản lý dân cư bằng mã số định danh, đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư cho rằng: Việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm thay đổi quản lý dân cư từ thủ công bằng số hộ khẩu, sang quản lý dân cư bằng công nghệ cao thông qua mã số định danh. Khi công dân được thu thập 15 trường thông tin theo quy định tại khoản 1, Điều 9 Luật căn cước công dân thì công dân sẽ được xác lập một số định danh cá nhân sử dụng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bỏ sổ hộ khẩu nhưng quản lý hộ khẩu vẫn được quản lý trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho nên những gì liên quan đến hộ khẩu cũng không thay đổi.

Việc quản lý này giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước cải cách thủ tục hành chính, bỏ các thủ tục gây phiền hà cho nhân dân mà theo lộ trình sẽ bỏ số hộ khẩu sau khi hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các quy định về đất đai, y tế, giáo dục có liên quan đến sổ hộ khẩu hoàn toàn không bị xáo trộn khi sử dụng phương pháp quản lý mới này mà nó còn tạo điều kiện cho công dân trong các giao dịch, đăng ký sử dụng.

Về việc bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy, chứng minh nhân dân sẽ làm giảm bớt các thủ tục hành chính. Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết: Vừa qua thực hiện lộ trình cải cách hành chính, Chính phủ đã giao cho các bộ ban ngành rà soát, thí dụ Bộ Công an liên quan đến hộ chiếu, căn cước, hộ khẩu, các ngành kinh doanh có điều kiện. Như cấp chứng minh nhân dân không cần đơn xin nữa. Sau này, khi có số định danh cá nhân không cần sổ hộ khẩu nữa. Chính phủ giao cho các bộ, ngành rà soát, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì loại bỏ bao nhiêu giấy tờ. Đến nay đã bỏ được hơn 800 thủ tục hành chính. Khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bỏ thêm nhiều thủ tục không cần thiết, phiền hà nữa, tạo thuận lợi cho người dân.

Liên quan đến quản lý hộ tịch, và việc triển khai dữ liệu hộ tịch điện tử: Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịnh, Chứng thực - Bộ Tư pháp Nguyễn Công Khanh cho biết: Luật Hộ tịch đã quy định là thông tin hộ tịch là thông tin đầu vào của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong 15 trường thông tin thì thông tin hộ tịch có 9 trường. Cho nên, đây là nguồn tin thông đầu vào rất quan trọng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua khảo sát trên cả nước, hệ thống sổ đăng ký và quản lý hộ tịch của chúng ta hiện nay do ủy ban cấp xã, huyện, tỉnh quản lý, đặc biệt là sổ sách, hồ sơ từ năm 1990 trở lại đây thì còn khá đầy đủ. Trước đây Bộ Nội vụ tức là Bộ Công an đồng thời quản lý hộ tịch và hộ khẩu. Tôi nghĩ, dữ liệu từ những năm 80 trở về trước, đây là dữ liệu Bộ Công an quản lý, chúng tôi cho rằng khá đầy đủ. Từ năm 90 trở lại đây, Bộ Tư pháp quản lý. Đây là hai nguồn thông tin quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trả lời băn khoăn về người di cư, việc đi học đúng tuyến, hay khám chữa bệnh đúng tuyến... sẽ được quản lý như thế nào? Thượng tá Trần Hồng Phú - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết: Việc đăng ký cư trú vẫn được thực hiện theo quy định của Luật Cư trú. Do vậy, khi bạn chuyển đến nơi ở mới, bạn vẫn được cơ quan công an có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú theo quy định. Việc đi học hoặc khám chữa bệnh của công dân được thực hiện theo các quy định của ngành giáo dục và ngành y tế. Theo tôi được biết, thời gian vừa qua, các lĩnh vực này đã có nhiều đổi mới. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị quyết về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế. Trong thời gian tới, các ngành, lĩnh vực này sẽ thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ.

Cũng về chủ đề này, đại úy Nguyễn Thành Lâm Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP Hà Nội cho biết: Theo quy định Luật thủ đô và một số quy định chuyên ngành liên quan đến việc học đúng tuyến, trái tuyến, hiện nay do áp lực dân cư nên rất nhiều trường học cũng quy định cụ thể về việc này cho công dân cư trú tại các địa bàn khu vực phường xã chung quanh, khi triển khai các dữ liệu quốc gia dân cư thì toàn bộ những thông tin trong sổ hộ khẩu sẽ được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, khi đó sẽ chia sẻ với các cơ quan ban ngành, trường học. Qua đó mọi vấn đề liên quan đến việc học hành của học sinh đều bảo đảm theo lộ trình, quy định chuyên ngành, chuyên môn của từng địa phương cũng như từng trường, giải quyết được tình trạng lo lắng của dân cư, và không có thay đổi nhiều so với hiện nay.

Trả lời câu hỏi về lộ trình thu thập thông tin dân cư trên toàn quốc. Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết: Việc triển khai xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, cụ thể như sau: Thứ nhất, thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để dùng chung nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ hai, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính. Việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Thứ ba, thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ tư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời cũng góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ giấy tờ đang lưu trữ tại các cơ quan hành chính.

Còn trách nhiệm của công dân trong việc thu thập thông tin dân cư thì căn cứ vào các giấy tờ tùy thân, như: Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, Giấy khai sinh… đã được cấp và hướng dẫn của cơ quan Công an để kê khai đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cơ bản theo quy định tại khoản 1, Điều 9, Luật Căn cước công dân của bản thân và người thân trong hộ gia đình vào Phiếu thu thập thông tin dân cư do Bộ Công an phát hành; Xuất trình các giấy tờ chứng minh thông tin nhân thân phục vụ việc kiểm tra, xác thực tính chính xác của thông tin dân cư được kê khai trong Phiếu thu thập thông tin dân cư; Kiểm tra, ký xác nhận vào mẫu Phiếu thu thập thông tin dân cư để đảm bảo căn cứ pháp lý của thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sau khi hoàn thành việc xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mỗi người dân được quyền được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp khác.

Bên cạnh đó, để đảm bảo thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cập nhật kịp thời, mỗi người dân cũng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin khi có sự thay đổi theo quy định.

Trả lời về việc sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Ông Nguyễn Công Khanh Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp cho biết: Thực hiện Chỉ thị 07 của Thủ tướng về việc phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về phía Bộ Tư Pháp, đặc biệt Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực với cái đơn vị là được giao là đầu mối giúp lãnh đạo Bộ trong việc này thì chúng tôi cùng với Cục Công nghệ thông tin là hai đơn vị nòng cốt trong Bộ thực hiện triển khai Chỉ thị 07 của Thủ tướng. Về mặt chính thức, Bộ Tư pháp chưa có kế hoạch bằng giấy trắng mực đen cho các địa phương. Nhưng trong công tác của hai đơn vị, thì hai năm nay, chúng tôi lần lượt triển khai xuống các địa phương.

Một là, đề nghị các địa phương có kế hoạch triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, thậm chí có những nơi yêu cầu thành lập ban chỉ đạo của tỉnh để thực hiện triển khai chương trình đăng ký và thống kê hộ tịch theo chương trình hành động quốc gia của Việt Nam từ năm 2017 đến năm 2024.

Thứ hai, về nghiệp vụ, chúng tôi cũng đã có nhiều dịp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ tư pháp hộ tịch từ cấp tỉnh cho đến huyện, xã. Với bất cứ địa phương nào để triển khai phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung, thì chúng tôi đều có tập huấn đối với từng cán bộ tư pháp hộ tịch, cách thức sử dụng, đặc biệt là ý thức đối với họ, những lỗi có thể xảy ra, để quá trình nhập liệu bảo đảm chính xác tuyệt đối. Tiếp đến, một trong những nội dung kế hoạch tới đây chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo bộ, phía Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị lãnh đạo bộ để ban hành kế hoạch, theo đó sẽ chỉ đạo tất cả 63 tỉnh, thành phố, cũng như các ủy ban quận, huyện, xã, phường, đặc biệt trong khâu phối hợp với ngành công an để cập nhật thông tin hộ tịch vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhất là liên quan đến đối sánh thông tin và đặc biệt là thống nhất hóa dữ liệu thông tin. Tôi cho rằng, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để trong năm 2018 chúng tôi sẽ kiến nghị lãnh đạo bộ để xây dựng và triển khai xuống các địa phương.

Về dự kiến thời gian hoàn thành dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết: Ngày 14/11, Bộ Công an đã triển khai trên toàn quốc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi triển khai, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ chuyên trách làm việc này, từ Bộ Công an đến công an các tỉnh, thành phố, xã, huyện, thị trấn… Sau khi tập huấn, chúng tôi sẽ tiến hành kê khai, thu thập. Dự kiến năm 2017, khi được cấp đủ kinh phí 230 tỷ đồng, chúng tôi sẽ hoàn thành việc triển khai kê khai. Đến năm 2018, chúng tôi sẽ rà soát, cập nhật và cùng nhà thầu sẽ tổ chức lắp đặt mua sắm thiết bị phần mềm ứng dụng. Nếu được cấp đủ kinh phí, chúng tôi sẽ cố gắng trong năm 2019 – đầu 2020 hoàn thành dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong thời gian hơn hai giờ đồng hồ, các khách mời đã đưa ra những câu trả lời trực diện vào vấn đề mà độc giả quan tâm xung quanh việc triển khai Nghị Quyết 112 của Chính phủ về giảm thủ tục hành chính, số hóa công tác quản lý hộ khẩu. Những câu trả lời này là thông tin quý giá để người dân hiểu được quyền lợi, trách nhiệm công dân của mình và cũng là thông tin tham khảo quý để các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Cuộc tọa đàm liên quan đến lộ trình đã giải quyết được vấn đề rất lớn liên quan đến những nội dung rất lớn, liên quan đến lộ trình thực hiện, liên quan đến việc giải đáp những thắc mắc, những thách thức đặt ra trong thời gian tới và cần không chỉ hành động của cơ quan chức năng mà còn sự chung tay, chia sẻ, thấu hiểu của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong quá trình làm cầu nối giữa cơ quan chức năng với đông đảo bạn đọc, người dân với cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng là rất quan trọng trong việc truyền bá thông tin, phổ biến chính sách, là cầu nối giải đáp phản hồi những thắc mắc kiến nghị ý kiến chính đáng của bạn đọc, của người dân tới các nhà quản lý chính sách./.

Tin, ảnh: Mạnh Hùng