|
Cục trưởng Cục QLCLNLS&TS Nguyễn Như Tiệp trao đổi với đại diện các cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng cá khô trên địa bàn tỉnh
|
Theo thống kê của Chi cục Quản lí chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh (QLCLNLS&TS), mặc dù đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm nhưng tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh vẫn đang còn tồn đọng khoảng 600 tấn cá khô các loại. Nguyên nhân được xác định là do từ ngày 1/5/2019 phía Hải quan Trung Quốc đã có động thái siết chặt thương mại nông thủy sản qua đường tiểu ngạch, thắt chặt kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thủy sản xuất khẩu qua đường chính ngạch. Dẫn đến các cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng cá khô các loại trên địa bàn tỉnh vốn quen xuất khẩu qua đường tiểu ngạch bị bất ngờ, thụ động.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe các ý kiến của đại diện các cơ sở, Cục trưởng Cục QLCLNLS&TS Nguyễn Như Tiệp đã giải đáp và hướng dẫn cụ thể các quy định cần có để xuất khẩu mặt hàng cá khô nói riêng và các mặt hàng nông, thủy sản nói chung sang thị trường Trung Quốc. Về giải pháp trước mắt để giải tỏa cho số lượng cá khô còn tồn đọng, cần có sự kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng cá khô trên địa bàn tỉnh với các cơ sở đã được cấp phép xuất khẩu đi Trung Quốc theo hướng gia công đảm bảo các tiêu chuẩn như có đăng kí để được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho từng lô hàng; có đầy đủ bao gói, nhãn mác đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo quy định. Về giải pháp lâu dài các cơ sở này cần phải nâng cấp nhà xưởng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định của phía Trung Quốc để được cấp phép bổ sung vào danh sách các doanh nghiệp được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Lê An