Ảnh minh họa ( nguồn: baodautu.vn)

Hoàn thiện cơ chế đổi mới quản lý

Theo Báo cáo của Chính phủ, triển khai Hiến pháp năm 2013, phù hợp các yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp (DN) nói chung và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói riêng, đặc biệt đáp ứng yêu cầu vai trò chủ đạo trong kinh tế Nhà nước, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua các Luật DN năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại DN (Luật số 69/2014/QH13). Đồng thời, Chính phủ đã ban hành đầy đủ các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 69/2014/QH13.

Thực tế, trong giai đoạn 2011-2016 các cơ chế, chính sách QLVNN, TSNN đầu tư tại các DNNN liên tục được hoàn thiện phù hợp yêu cầu đổi mới, hội nhập; các cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, TSNN tại cơ quan nhà nước và DN; cơ chế, chính sách đã bảo đảm tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, việc ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN là bước hoàn thiện có tính pháp luật cao nhất trong quá trình hoàn thiện cơ chế đổi mới quản lý DNNN.

Chính phủ đã quán triệt, cụ thể hóa định hướng của Đảng, Quốc hội về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và thực hiện các cam kết hội nhập nên cơ chế, chính sách về QLVNN, TSNN tại DN giai đoạn 2011-2016 được hoàn thiện phù hợp tiến trình hội nhập, phát triển kinh tế thị trường và các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình đổi mới, hội nhập nền kinh tế. Cơ chế, chính sách giai đoạn 2011-2016 đã bám sát yêu cầu thực tiễn là phải khắc phục, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách giai đoạn 2006-2010 nên đã tập trung các quy định: tổng kết và không thành lập thêm các Tập đoàn kinh tế; đẩy mạnh việc sắp xếp, chuyển đổi sở hữu - cổ phần hóa các DNNN.

Tại buổi làm việc mới đây của Đoàn Giám sát của Quốc hội với đại diện Chính phủ về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về QLVNN, TSNN tại DN và CPH DNNN giai đoạn 2011-2016”, tóm tắt về kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn Giám sát cho biết, việc hoàn thiện thể chế, xây dựng các chính sách pháp luật về QLVNN tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2016 đã được ban hành đầy đủ, kịp thời, cơ bản bao phủ các lĩnh vực của ngành kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nội dung các văn bản pháp luật đã có được tính bao quát, phạm vi điều chỉnh rộng, chất lượng văn bản đã từng bước được nâng cao. Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện làm rõ cơ sở pháp lý căn cứ cho việc thành lập mô hình tổ chức và hoạt động giúp cơ quan đại diện, chủ sở hữu nhà nước tăng cường quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động và sử dụng, QLVNN ở các DN. Luật QLVNN đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN là bước hoàn thiện có tính pháp lý cao nhất trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách đổi mới quản lý DNNN. Chính sách pháp luật về cổ phần hóa DNNN được ban hành dưới dạng Nghị định, thông tư khá đầy đủ, kịp thời. Văn bản pháp luật về cổ phần hóa thường xuyên được tổng kết, sửa đổi nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và đẩy mạnh công khai, minh bạch quá trình cổ phần hóa DNNN; xử lý dứt điểm những tồn tại về tài chính khi cổ phần hóa nhằm hạn chế tối đa khả năng thất thoát vốn có thể xảy ra trong quá trình cổ phần hóa.

Bảo toàn vốn chủ sở hữu

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, trong giai đoạn 2011-2016, các DNNN trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cơ bản thực hiện được vai trò, nhiệm vụ chủ sở hữu giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. Mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn phục hồi, xuất khẩu hàng hóa còn hạn chế nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn được duy trì ổn định, một số chỉ tiêu tài chính có sự tăng trưởng đáng kể; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt ở mức khá; đóng góp cao cho ngân sách nhà nước (NSNN)…

Cả nước hiện còn hơn 500 DNNN, trong đó, có 7 tập đoàn kinh tế, 57 tổng công ty nhà nước, 441 DN độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương. DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ còn hiện diện tại 11 ngành, lĩnh vực so với sự hiện diện trên 60 ngành, lĩnh vực vào năm 2001; đã tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh. Dự kiến, đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 150 DNNN, chủ yếu là các công ty xổ số, công ích và ba tập đoàn kinh tế gồm: Dầu khí, Điện lực và Viettel.

Năm 2016, tổng vốn chủ sở hữu tại các DNNN là 1.398.183 tỷ đồng. Tổng tài sản là 3.053.547 tỷ đồng. Tổng doanh thu đạt 1.515.821 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 139.658 tỷ đồng. Tổng số nộp NSNN của các DN là 251.845 tỷ đồng. Phần lớn DNNN sản xuất, kinh doanh có lãi, tuy nhiên vẫn còn có một số DN thua lỗ.

Tính riêng theo báo cáo hợp nhất năm 2016 của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng vốn chủ sở hữu là 1.239.422 tỷ đồng, tăng 70% so năm 2011. Mức tăng bình quân năm cả giai đoạn 2011-2016 theo số liệu báo cáo của Công ty mẹ là 11%. Vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng năm tăng chủ yếu từ nguồn quỹ đầu tư phát triển được trích lập từ lợi nhuận sau thuế, chênh lệch đánh giá lại tài sản và thặng dư vốn thu được trong quá trình cổ phần hóa các DN thành viên, đơn vị phụ thuộc của tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Xét tổng thể, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bảo toàn được vốn chủ sở hữu, hệ số bảo toàn vốn bình quân là 1,038 lần, vốn chủ sở hữu DN sử dụng cho hoạt động kinh doanh chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số vốn kinh doanh của DN, hệ số bình quân vốn chủ sở hữu/tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất là 0,45 lần.

Tổng số nợ phải trả theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2016 là 1.517.461 tỷ đồng, tăng 17% so năm 2011. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát (tổng tài sản/tổng nợ phải trả) bình quân là 1,84 lần (công ty mẹ là 2,35 lần), DN vẫn có đủ tài sản bảo đảm vay.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, DNNN là công cụ quan trọng bảo đảm thực hiện có hiệu quả chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát đối phó biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho NSNN, đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Mặt khác, DNNN là khu vực chính thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ sản phẩm công ích và những địa bàn khó khăn. Bởi theo định hướng, DNNN được giao những lĩnh vực, địa bàn các thành phần kinh tế khác không làm. Do đó, đánh giá hiệu quả DNNN phải lưu ý đặc điểm này để bảo đảm phản ánh chính xác quy mô, vai trò hiệu quả của DNNN. Đơn cử, tổng các khoản phải thu theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2016 là 324.104 tỷ đồng, tăng 9% so năm 2011. Các Công ty mẹ đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi với số tiền là 9.824 tỷ đồng để xử lý theo quy định nhằm bảo toàn vốn của DN.

 Còn nhiều bất cập…

Trong buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thẳng thắn cho biết, việc quản lý và sử dụng TSNN, cổ phần hóa DNNN vẫn còn nhiều hạn chế cần tiếp tục được khắc phục bằng việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN cầm chừng, hiệu suất sử dụng vốn chưa cao do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới trong giai đoạn 2011-2013. Từ giai đoạn 2014-2015, DNNN hoạt động hiệu quả hơn, nhưng tới ngày 31-12-2016 vẫn còn DNNN kinh doanh thua lỗ…

Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến thì cho rằng, nhìn về số lượng thì công tác cổ phần hóa thời gian qua không bảo đảm, nhưng về chất lượng thì những DN cổ phần hóa tới đây là những DN có quy mô vốn rất lớn. Điều đó cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ, và quy mô lớn như thế phải có chuẩn bị rất kỹ. Đồng thời, sẽ không có chuyện bán tống bán tháo do áp lực cổ phần hóa, vì trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ yêu cầu cơ quan Kiểm toán kiểm toán lại công tác định giá. Chính phủ không chủ trương cổ phần hóa bằng mọi giá. Khối lượng đưa ra thì ai cũng mong muốn đạt được. Nhưng lộ trình năm 2019, 2020 có rất ít DN cổ phần hóa, do đó chúng ta không phải cổ phần hóa hết. Nhưng không phải vì thế mà không quyết liệt cổ phần hóa.

Tuy nhiên, đánh giá về công tác sử dụng, QLVNN, TSNN và cổ phần hóa DNNN thời gian qua, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội cũng chỉ ra nhiều bất cập như: Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và nợ quá hạn của DNNN còn cao, nhiều khoản đầu tư chưa mang lại hiệu quả. Kiểm soát nội bộ yếu và kiểm soát từ bên ngoài còn chưa theo kịp yêu cầu. Số lượng DNNN cổ phần hóa cao nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước bán ra lại thấp, xác định giá trị DN còn nhiều bất cập...

(Còn nữa)

Minh Phương