Một số cơ chế mới sắp được ban hành sẽ giúp tháo gỡ các “nút thắt” cổ phần hóa DNNN (Ảnh minh họa: M.P)
Tốc độ, kết quả cổ phần hóa sẽ cao hơn
Một số cơ chế mới sắp được ban hành sẽ giúp tháo gỡ các “nút thắt” cổ phần hóa DNNN, làm lành mạnh tình hình tài chính, hấp dẫn nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hạn chế thất thoát vốn và TSNN. Đặc biệt, việc nghiêm túc thực hiện theo cơ chế thị trường, tuân thủ pháp luật là yêu cầu tiên quyết khi thực hiện cổ phần hóa.
Về vấn đề người đứng đầu DNNN, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, phải lựa chọn những người dám nhận trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm, dám nhận hậu quả nếu quản lý không tốt. Và khi đó thật sự chúng ta sẽ lựa chọn được những nhà quản trị tốt, hoặc quản trị để bảo đảm rằng doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Còn nếu hoạt động không có hiệu quả thì bản thân những người quản lý đó phải chịu gánh chịu trách nhiệm, chứ không phải thực hiện theo nhiệm vụ hay sự phân công chỉ đạo của Nhà nước.
Cùng quan điểm này, ông Cấn Văn Lực, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần phải sớm ổn định và vận hành tốt nhất, hiệu quả nhất Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu các DNNN. Và ngay sau khi cổ phần hóa xong yêu cầu phải lên sàn niêm yết để tăng tính minh bạch. Hiệu quả hoạt động của DNNN phụ thuộc rất lớn vào vai trò điều hành, quản trị của người đứng đầu. Những người đứng đầu phải hiểu biết sâu về kinh tế thị trường, có năng lực kinh doanh tốt, chứ không đơn thuần thực hiện nhiệm vụ chính trị do các cơ quan quản lý nhà nước giao.
Bàn về vấn đề cần làm gì để QLVNN tốt hơn sau cổ phần hóa, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp cho rằng, cần thay đổi chất lượng cổ phần hóa. Theo đó, lần đầu tiên Chính phủ đã công khai toàn bộ danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa; tỷ lệ doanh nghiệp cổ phần hóa từng năm một và công bố cả doanh nghiệp thoái vốn để các nhà đầu tư, xã hội và thị trường lựa chọn năm nào bán cái gì để cân nhắc. Điều này được thể hiện rất rõ trong Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Nghị định 126 sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề về thủ tục, kỹ thuật, bảo đảm nguyên tắc thị trường minh bạch.
Thí dụ, một doanh nghiệp khi cổ phần hóa phải đăng ký các bước thực hiện để cơ quan quản lý nhà nước, người dân giám sát, cũng là để thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp đối với đồng vốn Nhà nước giao. Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ về đất đai khi cổ phần hóa, nếu Nhà nước không dùng thì trả lại cho địa phương để đấu giá. Như vậy, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến đất đai sẽ không tìm cách để tham gia, nhường sân cho các nhà đầu tư tập trung vào sản xuất, kinh doanh, tạo giá trị gia tăng. Một điểm mới của Nghị định 126 nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa là cho phép các nhà đầu tư đưa tư vấn nước ngoài vào đánh giá doanh nghiệp, rất công khai, minh bạch. Một công ty muốn đầu tư, họ muốn đánh giá sơ bộ doanh nghiệp đó có phù hợp số tiền họ bỏ ra không thì họ phải đưa tư vấn nước ngoài vào đánh giá… Tin rằng, công tác cổ phần hóa chắc sẽ tốt, tăng tốc hơn, đạt kết quả cao hơn.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác QLVNN tại doanh nghiệp, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/5/2018.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, một trong những sửa đổi quan trọng của Nghị định 32 là nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của DNNN tại doanh nghiệp khác. Theo đó, chuyển nhượng vốn DNNN đầu tư ra ngoài phải gắn với phương án cơ cấu lại doanh nghiệp đã được phê duyệt; không phân biệt mức vốn đầu tư, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có vốn góp của DNNN lãi, lỗ; bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn vốn đầu tư ra ngoài của DNNN ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư.
Nhiều cơ chế mới sắp được ban hành
Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), chỉ trong 10 tháng năm 2016, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN đã tích cực triển khai Đề án Tái cơ cấu. Các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN đã được ban hành đầy đủ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện. Hiệu quả hoạt động của DNNN sau cổ phần hóa từng bước được nâng cao. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp đạt kế hoạch theo Đề án Tái cơ cấu được duyệt. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm lĩnh vực nhạy cảm được triển khai quyết liệt. Quản trị doanh nghiệp tiếp tục được đổi mới… Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn còn chưa đạt được như kỳ vọng, do phải xử lý tiếp các đơn vị chưa hoàn thành của giai đoạn 2011 - 2015.
Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, quá trình cổ phần hóa các DNNN sẽ tiếp tục được triển khai quyết liệt, đối tượng cổ phần hóa được mở rộng tới các tập đoàn, tổng công ty lớn đòi hỏi phải có các cơ chế phù hợp nhằm xử lý dứt điểm các vướng mắc về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức định giá sát với giá thị trường. Đồng thời, tiếp tục bán cổ phần công khai, minh bạch, gắn quá trình cổ phần hóa với quá trình phát triển của thị trường chứng khoán và thu hút được các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, góp phần đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hạn chế thất thoát vốn và tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa. Theo đó, tới đây sẽ có nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành, nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cổ phần hóa DNNN.
Được mong chờ nhất trong số đó, là Quyết định thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg theo hướng thu hẹp lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn. Thực hiện cổ phần hóa toàn bộ các doanh nghiệp còn lại theo các tỷ lệ Nhà nước nắm giữ hơn 65% tổng số cổ phần, từ 50%-65% tổng số cổ phần và dưới 50% tổng số cổ phần của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa. Đi kèm với đó là danh sách doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện. Tiếp đó, cơ chế về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần cũng sẽ được hoàn thiện, làm cơ sở pháp lý để thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020 theo hướng phù hợp đối tượng cổ phần hóa và yêu cầu giai đoạn mới. Các quy định mới này sẽ xử lý dứt điểm các vướng mắc về tài chính, công nợ, lao động của các doanh nghiệp cổ phần hóa; bổ sung áp dụng phương thức bán cổ phần lần đầu phù hợp thông lệ quốc tế...
Cùng với các chính sách trên, cơ chế về hoạt động của DNNN cũng sẽ được hoàn thiện để thực hiện sắp xếp, tăng cường minh bạch báo cáo tài chính, thông tin tài chính, kinh doanh, điều hành tập đoàn, tổng công ty. Ngoài ra, sẽ hoàn thiện cơ chế về phân công, phân cấp và thành lập cơ quan quản lý để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, quản lý sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn và đánh giá hiệu quả vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Không để thất thoái vốn và tài sản
Trong thời gian tới, Chính phủ đặt mục tiêu thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước đầu tư vào ngành không phải ngành nghề kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành nghề kinh doanh chính theo quy định về tiêu chí phân loại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Theo đó, sẽ hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 và tập trung triển khai có hiệu quả phương án sắp xếp này khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Xây dựng phương án thoái vốn nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tại các doanh nghiệp thuộc diện nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần, vốn góp và vốn đầu tư vào năm lĩnh vực nhạy cảm.
Ông Đặng Quyết Tiến khẳng định, nghiêm túc thực hiện cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong cổ phần hóa, không để xảy ra tiêu cực, thất thoái vốn, tài sản. Thực hiện niêm yết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, DNNN có quy mô lớn đã cổ phần hóa trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế là điều kiện tiên quyết. Từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước, DNNN rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính; tập trung vào kinh doanh những ngành chính và những ngành liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính. Xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến 2020 phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, khả năng cân đối và giải pháp về vốn đầu tư cho giai đoạn và năng lực, trình độ quản lý. Triển khai công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thông qua người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm quy định về đăng ký, lưu ký, đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Để hạn chế những bất cập trong cổ phần hóa, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc cổ phần hóa chậm trễ không chỉ từ nguyên nhân khách quan như khó khăn trong định giá doanh nghiệp, xử lý tồn đọng hay do bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế chưa thuận lợi mà còn do những yếu tố mang tính chất chủ quan, những lo ngại của ban lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm, kết quả yếu kém khi doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán và đánh giá lại giá trị khi thực hiện cổ phần hóa. Sự thiếu quyết liệt trong điều hành của các bộ, ngành dẫn đến nhiều chính sách, giải pháp đúng đắn chưa được thực thi với hiệu lực cao. Để tăng cường khung khổ pháp lý cũng như kỷ cương trong việc thực hiện cổ phần hóa DNNN, đề nghị Quốc hội nghiên cứu và giao Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua Luật Cổ phần hóa. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng chủ trương, chính sách để thúc đẩy và hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, bao gồm cả các nhà đầu tư chiến lược của khu vực vừa và nhỏ có thể tham gia vào quá trình cổ phần hóa DNNN. Đây là vấn đề khó nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được, chúng ta vẫn tuân thủ các quy định của quốc tế, của WTO nhưng vẫn tạo điều kiện cho khu vực tư nhân trong nước có thể tham gia vào quá trình cổ phần hóa DNNN./.
Minh Phương