Thực hành nhân rộng CSA trên cây hồ tiêu ở Gio An 

(QTO) - Mô hình thực hành nhân rộng trên cây hồ tiêu được triển khai tại xã Gio An, huyện Gio Linh thuộc hợp phần 3 “Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu” (CSA) của “Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới” (WB7).

Hộ ông Lâm Công Phi ở thôn Bình Sơn tham gia mô hình thực hành nhân rộng CSA trên cây hồ tiêu. Ảnh: TL

 

Ông Nguyễn Đăng Khóa ở thôn An Nha có vườn hồ tiêu rộng 6 sào với hơn 420 cây. Tham gia mô hình, ông Khóa được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, chế phẩm sinh học…chăm sóc cây. Hiện vườn tiêu của ông Khóa chuẩn bị cho thu hoạch, năng suất tương đối cao. Theo ông Khóa, thời kỳ chăm sóc, bón phân cho cây hồ tiêu rất quan trọng đối với năng suất, sản lượng. Bón phân cần cân đối, hợp lý giữa từng loại với nhau. Mô hình này rất coi trọng việc sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp đã ủ hoai mục, tuyệt đối không bón phân chuồng chưa hoai cho cây tiêu; không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chất biến đổi gien. Ngoài ra, ông Khóa được hướng dẫn sau khi thu hoạch tiêu, cần tỉa bớt những cành tược, cành lươn mọc ra từ gốc và cành tược mọc ngoài khung thân chính, ở những cây hồ tiêu có hiện tượng ra hoa không đúng thời vụ nên tỉa bỏ những hoa này.

 

Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Tân Văn trồng 5 sào hồ tiêu với 350 cây, nhờ được chăm sóc theo mô hình nên vụ này vườn tiêu của ông năng suất đạt cao hơn năm trước rất nhiều. Ông Minh cho biết tận dụng những nguồn hữu cơ sẵn có trên vườn hoặc các phụ phẩm nông nghiệp, cỏ dại, cành lá…ủ đúng quy định rồi đem ra bón. Tỉ lệ bón là 20 kg phân hữu cơ đã ủ hoai mục/gốc tiêu cộng với 1kg phân hữu cơ vi sinh.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu cho biết, mô hình thực hành nhận rộng CSA trên cây hồ tiêu được Chi cục TT&BVTV tỉnh phối hợp với người dân của xã triển khai thực hiện trên diện tích 30 ha hồ tiêu kinh doanh thuộc 6 thôn. Người dân tiếp nhận mô hình để từng bước thực hành tiến đến thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, năng suất thấp sang phương thức sản xuất hồ tiêu an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu. 250 hộ dân trong xã tham gia mô hình nhờ được hỗ trợ kỹ thuật, phân hữu cơ vi sinh…để chăm sóc và phòng bệnh trực tiếp trên cây trồng nên năng suất hồ tiêu năm nay của mô hình dự kiến đạt từ 1,5 đến 1,7 tấn/ha, cao hơn những hộ không thực hiện mô hình đến 30%. Xã Gio An phấn đấu đến năm 2025 sẽ đưa 80- 90% trong tổng diện tích gần 100 ha tiêu của xã phát triển theo mô hình này. Ông Hiếu lưu ý với các hộ tham gia mô hình, dự kiến thời gian đến hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi vụ hái 2 đến 3 đợt, thu hái cẩn thận chùm quả ở đoạn cuống, tránh gây vết thương ở các nốt thân. Không nên thu hoạch khi quả hồ tiêu còn xanh, thời điểm thu hoach tốt nhất để làm hạt tiêu đen khi chùm hồ tiêu có trên 5% quả chín màu vàng, đỏ và để làm tiêu sọ khi tiêu trên 20% quả chín. Khi thu hái xong có thể phơi ngay để làm tiêu đen hoặc ủ 1 đến 2 ngày trong mát cho hồ tiêu tiếp tục chín để làm hồ tiêu sọ. Để hạt tiêu đen thương phẩm có màu đẹp, trước khi phơi nên nhúng hạt hồ tiêu vào nước nóng 80 độ C trong vòng 1- 2 phút, trộn đều sau đó lấy ra để vào chỗ mát cho ráo nước rồi đem phơi.

 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương cho biết, mô hình trồng tiêu ở xã Gio An là nhân rộng thực hành CSA nên Chi cục TT&BVTV chỉ hỗ trợ kỹ thuật, phân hữu cơ vinh sinh, chế phẩm sinh học. Phần nước tưới sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm với kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt, tưới nước hiệu quả nhất đến từng bộ rễ của cây tiêu, góp phần tăng năng suất, sản lượng người dân được hướng dẫn để chủ động đầu tư. Mỗi lần tưới lượng nước cần thiết từ 28- 32 lít/gốc, chu kỳ tưới từ 3- 4 ngày/ lần. Với lưu lượng phù hợp theo thiết kế thông thường là 20 lít/gốc/giờ tưới, thì mỗi lần cần tưới từ 1,4 đến 1,6 giờ, tùy theo điều kiện thời tiết và giai đoạn phát triển của cây hồ tiêu. Phương pháp này nhằm đưa nước và chất dinh dưỡng hòa tan trực tiếp đến vùng rễ của cây tiêu, thông qua các hệ thống dây tưới được bố trí quấn quanh từng gốc cây. Hệ thống dây tưới được bố trí để dễ dàng đưa nước đầy đủ và đồng đều cho tất cả các cây tiêu, giúp quản lý nước tưới, dinh dưỡng và thuốc BVTV một cách hiệu quả nhất.

 

Hồ tiêu mô hình ở xã Gio An đang thời kỳ kinh doanh nên các biện pháp kỹ thuật cần áp dụng đồng bộ từ khâu chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Mùa mưa cần lưu ý thoát nước tốt cho tiêu, cần đắp mô cao ở gốc, khi thấy vườn tiêu quá ẩm cần khẩn trương có giải pháp để thoát nước. Mùa khô chủ động tưới nước nhỏ giọt, làm sạch cỏ trong vườn tiêu, không trồng xen các cây trồng có tán lớn, bộ lá rậm rạp trong vườn hoặc các cây cùng họ, các cây có cùng nguồn sâu bệnh với hồ tiêu, nên trồng các cây họ đậu. Sau khi thu hoạch cần cắt tỉa bớt lá già và lá bị bệnh để hạn chế sự tiêu phí nước của cây, đồng thời kích thích phân hóa mầm cành quả cho vụ sau. Chỉ nên tưới nước vừa đủ để cây tiêu tồn tại, không tưới nhiều vì cây tiêu sẽ tiếp tục sinh trưởng và ra hoa rải rác làm ảnh hưởng đến vụ kế tiếp.

 

Bà Nguyễn Hồng Phương mong muốn qua mô hình nhân rộng thực hành này, người tham gia sẽ có thêm kinh nghiệm qua việc trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất hồ tiêu hàng hóa giá trị cao, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.

 

Tú Linh

244 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 614
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 614
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76704514