Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt, chỉ đạo sát sao để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và ngày 16/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc nhằm đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020.

Sau Hội nghị này, Chính phủ đã tổ chức 07 Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn kiểm tra tại các bộ, địa phương nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trên cơ sở kết quả kiểm tra của các đoàn công tác, việc phân tích làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cũng như kinh nghiệm, cách làm hay nhằm đề ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới là rất cần thiết.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2020 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2019 là 470.600 tỷ đồng, chia ra vốn trong nước: 410.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài: 60.000 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương chiếm 22,9% và vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1% tổng số.

Đồng thời, trên cơ sở các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương (NSTW) năm 2020 từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi NSTW năm 2018, 2019 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương là 6.973 tỷ đồng.

Đến nay, đã có 52/53 các bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN năm 2020 tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội về NSNN năm 2020. Tuy vậy, chỉ có 38 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100%kế hoạch vốn cho các dự án; 05 bộ, cơ quan trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 09 bộ, cơ quan trung ương và 05 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.

Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (477.573 tỷ đồng). Số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 22.081 tỷ đồng, trong đó NSTW là 15.825 tỷ đồng, ngân sách địa phương (NSĐP) là 6.256 tỷ đồng.

Hiện nay, có 09 bộ, cơ quan trung ương và 09 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng (vốn trong nước là 342 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 5.996 tỷ đồng). Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 của 07 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng (trong đó vốn trong nước là 13.038 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 471 tỷ đồng).

Tiến độ giải ngân có sự chuyển biến 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31 tháng 7 năm 2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến 31/8/2020 là 221.768 tỷ đồng đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%), trong đó vốn NSTW đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến triển khai công tác đầu tư công năm 2020, sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác nêu trên, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực. Có 05 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%.

Tuy nhiên, có 29 bộ, cơ quan trung ương và 06 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến nay, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần 5.530/8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 61,6%. Đối với 03 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu) giải ngân 1.755/3.400 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 51,6%. Đối với 05 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đối tác công tư (QL45 - Nghi Sơn,  Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) giải ngân cho GPMB 2.084/3.016 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 69,1%. Đối với 03 dự án thành phần mới được Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) giải ngân 1.690/2.554 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 66,2%.

Vì sao chậm giải ngân?

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm rất đa dạng, bao gồm cả nguyên nhân cố hữu tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để và cả nguyên nhân mới phát sinh đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, các Hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể như: giải ngân chậm do công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu.

“Ngoài ra, do một số nguyên nhân chủ quan: công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch; công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét, công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả” – Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Chí Dũng lý giải thêm, nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn. Do chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, hầu hết các hoạt động gắn với yếu tố nước ngoài từ nhiều khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn, giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án đều chậm lại.

Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo từ các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương, khó khăn lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2020 đến nay là công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, cụ thể như vướng mắc chủ yếu của dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 ở công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án thành phần mà công tác này thuộc trách nhiệm của các địa phương (dự án đi qua 13 địa phương).

Kỳ 2: Giải pháp thúc đẩy đầu tư công

 
Bài, ảnh: Lê Anh (lược ghi)