Thu nhập khá nhờ nuôi thỏ thương phẩm 

(QT) - Tận dụng nguồn sản phẩm phụ từ nông nghiệp, rau lá cỏ có sẵn ngoài tự nhiên, vợ chồng anh chị Nguyễn Đức Hiếu và Nguyễn Trần Quỳnh Như ở thôn An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong đã đầu tư nuôi thỏ thương phẩm. Bước đầu, mô hình này không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình mà còn góp phần bảo vệ môi trường, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Mô hình nuôi thỏ hiệu quả của vợ chồng anh Hiếu và chị Như. Ảnh: K.K.S

 

Để thực hiện thành công ý tưởng xây dựng mô hình nuôi thỏ thương phẩm, anh Hiếu và chị Như đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kĩ thuật chăn nuôi thỏ, bố trí diện tích đất để làm chuồng trại phù hợp và chọn nguồn giống thỏ chất lượng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng qua kênh Hội Nông dân, năm 2018, anh Hiếu và chị Như quyết định triển khai thực hiện mô hình này. Trên diện tích chuồng trại hơn 50 m2, anh chị đầu tư nuôi hơn 300 con thỏ, trong đó có 100 con thỏ sinh sản được mua tại một hộ chăn nuôi hiệu quả ở Hải Lăng.

 

Thỏ là loại dễ nuôi, sinh sản 5 - 7 lứa/năm, mỗi lứa trung bình từ 8 - 10 con nên chỉ trong một thời gian ngắn, đàn vật nuôi của anh chị phát triển tốt, sớm mang lại nguồn thu nhập. Thỏ thương phẩm từ 2,5 - 3 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 2 - 2,5 kg/con. Bình quân mỗi tháng anh chị xuất bán khoảng 40 con thỏ thịt và 20 con thỏ giống, giá bán thỏ thịt ở mức ổn định với 80 - 90 nghìn đồng/kg thịt thỏ và 120 ngàn đồng/kg thỏ giống, thu lãi trên 4 triệu đồng/tháng.

 

Thịt thỏ là món ăn giàu chất dinh dưỡng, ngon miệng, có thể chế biến đa dạng, phù hợp với khẩu vị của nhiều người nên việc nuôi thỏ của anh Hiếu và chị Như khá thuận lợi. Chị Như chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chăn nuôi lợn, gà. Tuy nhiên, những năm gần đây chăn nuôi lợn thường bị dịch bệnh. Vì thế chúng tôi quyết định chuyển hướng chăn nuôi vừa phù hợp với khả năng, vừa phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trong quá trình nuôi thỏ, chúng tôi thường xuyên đến thăm quan những mô hình hiệu quả trong và ngoài huyện; tìm hiểu kĩ thuật về chăm sóc thỏ; bảo đảm chuồng trại luôn sạch sẽ, khô thoáng. Đặc biệt, nguồn thức ăn của thỏ khá phong phú, chủ yếu là thức ăn xanh dễ kiếm tại địa phương như cỏ sữa, lá khoai lang, lá chuối… và cám tinh.

 

Thỏ rất dễ nuôi, sinh sản nhanh, trong khi vốn đầu tư ít, lợi nhuận cao, quay vòng vốn nhanh. Thực tế, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng thịt thỏ nên mức độ tiêu thụ thỏ giống, thỏ thương phẩm hiện nay khá lớn, vì thế thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi thỏ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.

 

Việc nuôi thỏ phù hợp với quy mô chăn nuôi hộ gia đình, gia trại. So với các loài vật nuôi khác, nuôi thỏ đầu ra dễ và được giá hơn, cho giá trị kinh tế cao. Nhờ nuôi thỏ, anh Hiếu và chị Như có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, lo cho con cái học hành. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, anh chị còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống để người dân trong xã đưa thỏ thương phẩm vào chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

 

Phó Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thành Hồ Lương Đạo cho biết: “Thực hiện việc kí cam kết với Huyện ủy Triệu Phong, Đảng ủy Triệu Thành đã tổ chức đẩy mạnh các phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân. Qua phong trào, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó có mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình anh Hiếu và chị Như ở thôn An Tiêm. Mô hình này tuy mới nhưng hiệu quả mang lại khá so với các mô hình khác. Thời gian tới, xã tiếp tục định hướng cho người dân chuyển đổi sản xuất, chăn nuôi, đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới, phù hợp vào sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần làm phong phú các mô hình kinh tế trên địa bàn”.

 

Kô Kăn Sương

547 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 933
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 934
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76744298