|
Tổ trưởng tổ tiết kiệm tín dụng thôn A Xóc Hồ Thị Nia (bìa trái) nhận tiền nộp tiết kiệm từ tổ viên. Ảnh: Trần Tuyền
|
Nộp tiền ít…
Sáng 15/4, bên trong nhà văn hóa cộng đồng thôn A Xóc, xã Hướng Lập rộn ràng tiếng nói cười. Hôm nay, những người phụ nữ trong tổ tiết kiệm tín dụng đem tiền và sổ tới để nộp tiết kiệm cho tổ trưởng Hồ Thị Nia (sinh năm 1992). Trong gian phòng rộng rãi, chị Nia ngồi ở giữa chăm chú ghi chép, cạnh bên là cái thùng nhôm hình hộp chữ nhật có 3 ổ khóa mà chị gọi đùa là két sắt của tổ. Lần lượt nhận tiền từ tổ viên, chị cẩn thận ghi chép rồi cất tiền vào thùng.
Từ sáng sớm, chị Hồ Thị Đa (sinh năm 1993) đã đến nhà văn hóa cộng đồng để nộp tiền tiết kiệm cho tổ tưởng. Cũng như bao gia đình khác trong thôn, vợ chồng chị Đa quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với mảnh ruộng nhỏ. Tuy nhiên, quần quật làm quanh năm suốt tháng cũng chẳng đủ để nuôi 2 con nhỏ chứ nói gì đến chuyện tích lũy. Khi hay tin tổ tiết kiệm tín dụng do cộng đồng tự quản được thành lập, chị Đa nhiệt tình hưởng ứng và vận động các chị em khác cùng tham gia. Mỗi tháng chị nộp tiền một lần. Tháng nào khó khăn, chị nộp vài chục ngàn đồng, tháng nhiều thì nộp 200 ngàn đồng.
Nhiều chị em trong tổ tiết kiệm tín dụng cũng như chị Hồ Thị Đa. Cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn nên mỗi khi có việc cần đến tiền thì không biết phải “bấu víu” vào đâu. Khái niệm “tiết kiệm”, “tích lũy” ở miền rẻo cao biên giới này còn khá xa vời. Vì thế, tổ tiết kiệm tín dụng ra đời được xem như là “cứu cánh” cho chị em phụ nữ khi cần có một số tiền nhất định để lo cho gia đình.
Chị Hồ Thị Nia cho hay, tổ tiết kiệm tín dụng thôn A Xóc được thành lập từ năm 2015, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016 với 40 thành viên. Một năm sau, vì thành viên tham gia quá đông nên tổ được tách ra làm 2 nhóm. Theo quy chế, đúng vào ngày 15 hàng tháng, chị em trong tổ sẽ đem tiền tới để nộp vào quỹ tín dụng. Số tiền nộp tùy vào gia cảnh của từng người. Người nộp ít nhất là 20 ngàn đồng, người nào có điều kiện thì có thể đóng nhiều hơn. Mỗi thành viên sẽ có một cuốn sổ riêng để ghi số tiền và thời gian nộp tiền. Cuốn sổ cái và thùng tiền quỹ do tổ trưởng Nia giữ. Mọi thông tin số tiền được nộp và cho vay đều được minh bạch, công khai mỗi tháng. “Có người một năm nộp được 8 triệu đồng, cũng có người chỉ nộp được 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Số tiền được nộp mỗi lần tuy không nhiều, nhưng dần dần tích lũy theo thời gian thì sẽ thành khối tiền lớn, giúp ích cho nhiều chị em phụ nữ khi cần thiết”, tổ trưởng tổ tiết kiệm tín dụng thôn A Xóc Hồ Thị Nia nói.
Được vay nhiều
Mục đích của tổ tiết kiệm tín dụng do cộng đồng tự quản là để các thành viên trong tổ có thể sử dụng vốn vay không có lãi hoặc lãi suất thấp (1%) để làm ăn phát triển kinh tế, nuôi con cái ăn học hoặc khám chữa bệnh lúc ốm đau. Khi nào cần có tiền, các chị chỉ cần tìm đến tổ trưởng đăng ký vay và đúng thời hạn trong 6 -7 tháng phải trả tiền gốc. Theo quy chế, các thành viên vay vốn để phát triển kinh tế hoặc cho con cái đi học thì tính lãi 1% và vay vào ngày 15 hằng tháng. Đối với chị em vay tiền để khám, chữa bệnh thì tổ không tính lãi và có thể vay bất kỳ lúc nào.
Những năm trước khi chưa tham gia tổ tiết kiệm, mỗi lần cần tiền, chị Hồ Thị Đa phải tìm đến ngân hàng, nhưng thủ tục khá rườm rà. Vay mượn bà con làng xóm thì không được bao nhiêu vì họ cũng khó khăn. “Từ khi tham gia tổ tiết kiệm tín dụng, khi cần tiền thì tôi có thể vay được ngay để giải quyết công việc gia đình. Năm vừa qua, tôi vay được 2 lần. Lần đầu tiên, tôi vay 1 triệu đồng để chữa bệnh cho con. Lần thứ 2, tôi vay 1,5 triệu đồng để sửa chữa lại nhà bếp”, chị Đa chia sẻ.
Nhiều chị sau khi tham gia tổ tiết kiệm tín dụng có thêm một khoản tiền để tạo sinh kế, dần thoát nghèo và cuộc sống khấm khá hơn. Trong tổ tiết kiệm tín dụng thôn A Xóc, một trong những người được vay số tiền lớn là chị Hồ Thị Thanh Thu (sinh năm 1985). Năm 2019, chị Thu vay 5 triệu đồng với lãi suất 1% để sửa nhà và chăn nuôi. Đây là số tiền lớn đối với gia đình chị. “Ngôi nhà của gia đình tôi được làm từ lâu nên xuống cấp trầm trọng. Trời mưa nước dột vào ướt hết. Năm ngoái, tôi vay tổ tiết kiệm được 5 triệu để mua vật liệu sửa lại mái và vách nhà. Nhờ vậy mà mùa đông vừa rồi con tôi không bị ướt lạnh. May mà có tổ tiết kiệm tín dụng chứ nếu không thì tôi không biết kiếm đâu ra tiền”, chị Thu cho hay.
Chị Hồ Thị Nia, cũng là người thường xuyên vay tiền từ tổ. Năm ngoái, chị vay 1 triệu đồng để mua một con heo bản làm giống. Nhờ siêng năng mà đàn heo bản nhà chị ngày càng phát triển. Năm nay, chị bán được 3 con heo thịt với tổng số tiền 3,6 triệu đồng. Trong chuồng vẫn còn 2 con để làm giống. “Đầu năm nay, tôi vay 500 ngàn đồng để đưa con đi chữa bệnh. Nhờ có vốn vay tín dụng của tổ mà vợ chồng tôi nuôi được 3 đứa con ăn học”, chị Nia nói.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Hướng Lập Hồ Thị Vai, trong xã hiện có 6 tổ tiết kiệm tín dụng của 4 thôn với gần 100 phụ nữ tham gia. Trong đó, thôn Cù Bai và A Xóc có 2 tổ, thôn Xê Pu cà Cha Ly có 1 tổ. Ban đầu, khi mới thành lập, chị em phụ nữ chưa hiểu rõ quy chế cũng như hiệu quả mà tổ mang lại nên ngần ngại. Người tham gia thì cũng đóng tiền tiết kiệm rất ít. Tuy nhiên, dần dần, qua hoạt động thực tiễn, nhận thấy được lợi ích thiết thực từ tổ tiết kiệm tín dụng, hầu hết chị em trong thôn đều hưởng ứng và tham gia có trách nhiệm hơn. “Tổ tiết kiệm tín dụng đem lại hiệu quả rất lớn, giúp chị em phụ nữ có tiền cho con cái học hành, có kinh phí chữa bệnh khi đau ốm và có nguồn vốn để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài việc được vay vốn không có lãi hoặc lãi suất rất thấp thì đến ngày 15/12 hằng năm, các tổ viên còn được nhận lại số tiền gốc và tiền lãi được tính theo phần trăm số tiền gốc đã đóng. Nhờ vậy mà nhiều gia đình tổ viên thoát được nghèo như chị Hồ Thị Nia, Hồ Thị Đa, Hồ Thị Nuột ở thôn A Xóc, Hồ Thị Nhan ở thôn Cha Ly. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các tổ tiết kiệm tín dụng do cộng đồng tự quản để giúp đỡ được nhiều chị em phụ nữ trong xã hơn trong việc làm ăn phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống”, chị Vai khẳng định.
Trần Tuyền