|
Sản phẩm gạo sạch Triệu Phong do gia đình anh Đặng Ngọc Dĩnh và người dân địa phương sản xuất. Ảnh: Q.H
|
Anh Dĩnh và vợ đều sinh ra trong gia đình thuần nông. Tuổi thơ anh chị lớn lên với đồng lúa, con trâu, không có cơ hội được học tập đến nơi, đến chốn. Vì thế, sau khi về sống dưới một mái nhà, vợ chồng anh đối diện với nhiều nỗi lo toan. Để không chạy gạo từng bữa, anh chị phải bám cái cuốc, cái cày như ông bà, ba mẹ mình. Làm nông, điều khiến anh Dĩnh và vợ lo lắng nhất là sức khỏe có thể bị ảnh hưởng khi dùng các sản phẩm hóa học để phòng trừ sâu bệnh, giúp cây lúa sinh trưởng tốt. “Mỗi lần đi phun thuốc trừ sâu về, tôi thấy người mệt lả. Tôi không biết thuốc trừ sâu ảnh hưởng như thế nào nhưng rất lo”, anh Dĩnh bộc bạch.
Trong lúc không biết phải làm sao, anh Dĩnh rất vui khi nghe Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương được triển khai tại xã Triệu Sơn và 4 địa phương khác của huyện Triệu Phong. Tham gia dự án, người dân sẽ áp dụng phương thức sản xuất không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất kích thích sinh trưởng… Sự ngần ngại không còn khi anh Dĩnh được chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc Changpyo Lee bắt tay chỉ việc. Tin tưởng, anh Dĩnh cùng vợ quyết định trồng lúa thử nghiệm trên diện tích 1.000 m2 và nuôi 3 con lợn theo phương thức canh tác tự nhiên. Anh cũng vận động thêm 9 hộ dân trong thôn cùng tham gia. Nghiêm túc áp dụng những điều được chỉ dẫn, anh Dĩnh và vợ rất vui mừng khi cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao dù không dùng phân hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật. Đàn lợn không cần dùng kháng sinh như trước mà vẫn khỏe mạnh.
Tín hiệu vui từ việc áp dụng phương thức canh tác tự nhiên đã thôi thúc anh Dĩnh bền bỉ đi trên con đường đã chọn. Đến nay, sau hơn 2 năm miệt mài lao động, gia đình anh Dĩnh đã mở rộng diện tích trồng lúa sạch lên 6.000 m2 , nuôi 20 con lợn thịt, hơn 100 con gà, trồng rau... Kinh nghiệm sản xuất theo phương thức canh tác tự nhiên đã giúp anh tiết kiệm được chi phí đầu vào nhờ giảm được công chăm sóc cây trồng, vật nuôi và tận dụng tối đa nguyên liệu địa phương để sản xuất các chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc. Đặc biệt, được dự án hỗ trợ kết nối thị trường nên các sản phẩm canh tác tự nhiên mà vợ chồng anh Dĩnh làm ra có giá cao hơn sản phẩm canh tác thông thường cùng loại từ 20% - 46%. Nhờ thế, gia đình anh đã có cuộc sống ấm no hơn. Hai người con của anh chị yên tâm hơn khi theo đuổi ước mơ con chữ.
Thành công trong việc đi trước nêu gương, anh Dĩnh được tín nhiệm bầu vào Ban Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong, phụ trách kĩ thuật để hỗ trợ người dân trên địa bàn. Mới đây, anh Dĩnh còn được mời đến huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam để hướng dẫn, hỗ trợ người dân địa phương áp dụng kĩ thuật canh tác tự nhiên trên cây trồng, vật nuôi. “Bài học đầu tiên tôi chia sẻ với mọi người là phải thay đổi suy nghĩ, cách làm để có thêm nhiều cơ hội gặt hái những vụ mùa bội thu”, anh Dĩnh chia sẻ.
Tây Long