|
Người dân cố vượt qua cầu tràn mặc dù con nước cuồn cuộn đổ về
|
Mới đây, tối 7/11/2017, hai chiếc xe máy chở bốn thanh niên đã gặp nạn khi vượt qua cầu tràn nối liền thôn A La và thôn Tà Rẹc, xã Ba Nang, huyện Đakrông. Đến ngày hôm sau, người dân địa phương mới trục vớt được xe máy, rất may không có thiệt hại về người. Được biết, tại khu vực này từng có một thầy giáo tử vong khi cố vượt cầu tràn để vào trường dạy học trong mùa mưa lũ.
Tại tuyến Lìa, huyện Hướng Hóa, mỗi lần mưa lớn kéo dài, nhiều chiếc cầu tràn nằm trên địa bàn các xã Thuận, Thanh, A Dơi… đều bị ngập nặng. Người dân phải bỏ tiền túi để thuê ghe chở qua khu vực cầu tràn. Giá mỗi lần chở người và xe máy dao động từ 20 – 40 ngàn đồng.
Cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên Trường Mầm non A Túc, huyện Hướng Hóa cho biết: “Mỗi lần mưa to, gió lớn, các thầy cô thường ở lại trường để đảm bảo an toàn. Nếu có việc gấp cần ra trung tâm thị trấn thì phải đi thuê ba, bốn lượt ghe mới vượt qua được những chiếc cầu tràn, tốn cả trăm ngàn đồng mà vẫn không đảm bảo an toàn”.
Hiện nay, tại nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các xã thuộc huyện miền núi như Thuận, Thanh, A Túc, A Dơi (Hướng Hóa), Ba Nang, Ba Lòng, A Ngo (Đakrông)…, nhiều cầu tràn được thiết kế, xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu thông thương, qua lại của người dân. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, các cầu tràn này thường xuyên bị nước sông, suối nhấn chìm. Có thời điểm, nước ở khu vực cầu tràn vượt quá đầu người, dòng chảy mạnh, xiết, rất nguy hiểm.
Do chưa thông thuộc địa hình hoặc thiếu cẩn trọng, một số người đã gặp tai nạn. Vì vây, đề nghị mỗi người dân cần thận trọng khi qua lại ở khu vực cầu tràn vào mùa mưa lũ. Chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền, cảnh báo và có phương án bảo vệ, hỗ trợ người dân.
Q.H