Tết cổ truyền của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô 

(QT) - Cũng như nhiều dân tộc anh em khác trong nước, tết cổ truyền của người Pa Kô, Vân Kiều có nhiều nét đặc trưng riêng. Trải qua bao biến thiên lịch sử, các phong tục độc đáo này vẫn trường tồn, được lưu giữ và phát huy.

Bánh beng, món ăn không thể thiếu trong bữa cơm tất niên và dịp tết của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Ảnh: Đ.V

 

Tất niên ấm cúng

 

Phong tục ăn cơm tất niên của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện miền núi đã có từ lâu đời. Đây là dịp để con cháu trong gia đình sum họp, cùng nhau tạ ơn trời đất, tổ tiên đã cho một vụ mùa bội thu, lúa ngô đầy nhà và cầu mong năm mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Như mọi năm, vào ngày 28 tháng Chạp, gia đình anh Hồ Văn Hùng ở thôn Bản 4, xã Thanh, huyện Hướng Hóa lại tất bật cùng nhau chuẩn bị mâm cơm tất niên. Năm nay sắn, chuối đều được mùa nên gia đình anh Hùng làm nhiều dê, gà hơn để mời thêm bà con trong bản đến chung vui. Theo anh Hùng, bữa cơm tất niên truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô phải có những lễ vật như thịt, xôi ống, rượu, các loại hoa quả, ngoài ra còn có thêm các loại bánh đặc trưng của địa phương như bánh beng, bánh a dơ, acoắt… Tất cả các loại bánh này đều được làm bằng gạo nếp nấu chín, sau đó đem giã nhuyễn cùng với mè đen, muối. Cũng từ ngày này, mọi người gác việc nương rẫy nghỉ ngơi để chuẩn bị đón tết cổ truyền, cùng nhau tập trung tại những khoảnh đất bằng phẳng ở trung tâm bản hoặc tại nhà sinh hoạt cộng đồng để làm các món ăn chuẩn bị bữa cơm tất niên.

 

Từ sáng sớm tinh mơ ngày 28 tháng Chạp khắp các bản làng, tiếng chày giã nếp làm bánh tết đã thì thụp, hối hả. Cùng với đó, mỗi gia đình sẽ mổ một con lợn, rồi tách xương, nạc và mỡ để riêng dành chế biến thành những món ăn và làm một số loại bánh truyền thống. Trong khi cánh đàn ông làm thịt lợn, làm dê, gà thì các bà, các mẹ và chị em phụ nữ tề tựu cùng làm bánh, làm xôi ống. Những cao niên vừa trông trẻ nhỏ, vừa tranh thủ chơi nhạc cụ truyền thống một cách thảnh thơi. Những thanh âm tươi vui mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô du dương qua những nóc nhà sàn, những bản làng bãng lãng khói sương càng tô điểm cho những ngày tết đến, xuân về đầy phấn chấn và hi vọng.

 

Người dân thôn Bản 4, xã Thanh, huyện Hướng Hóa làm thịt lợn chuẩn bị bữa cơm tất niên. Ảnh: Đ.V

 

Cùng với việc chuẩn bị các món ăn đặc sắc, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô còn trang hoàng sặc sỡ bàn thờ tổ tiên và bàn thờ thổ công bằng những tấm vải đỏ mới tinh. Đồng thời kính cẩn đặt chân dung Bác Hồ ở giữa trung tâm gian thờ một cách trang trọng để tỏ lòng nhớ ơn Người. Người dân địa phương quan niệm, việc trang hoàng gian thờ bằng vải màu đỏ biểu trưng cho quyền uy và may mắn. Nhà nào trang trí bàn thờ như thế mới có hiếu với tổ tiên, mới mời được ông bà về chơi xuân ăn tết. Sau khi đã chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, đại diện các gia đình lại mang lễ vật tề tựu về khu mộ của tổ tiên để làm lễ kính cáo với Giàng, với tổ tiên về thành quả một năm qua. Đồng thời những người có uy tín, đại diện các họ tộc sẽ khấn vái cầu mong những xui xẻo của năm cũ sẽ qua đi và đón năm mới với mọi sự may mắn. “Như mọi năm, năm nay mình cúng bữa cơm tất niên để báo cho ông bà tổ tiên biết gia đình mình được mùa, no ấm, con cháu học hành tấn tới và cầu mong tổ tiên tiếp tục che chở, bảo vệ cho gia đình trong năm mới con cháu khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, được mùa thóc lúa”, anh Hùng cho biết.

 

Bữa cơm tất niên được đồng bào coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác bởi vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng, mang tính nhân văn sâu sắc. Đây cũng là dịp để anh em trong gia đình, thông gia, làng xóm gặp gỡ, hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, gắn kết tình cảm gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết thôn bản, hướng về một cuộc sống đủ đầy. Vậy nên, dù công việc có bận rộn đến đâu, con cháu vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về sum họp cùng gia đình trong ngày cơm mới. Theo già làng Hồ Ra Mô, thôn Bản 4, xã Thanh thì bữa cơm tất niên của người dân địa phương phụ thuộc vào vụ mùa sản xuất. “Năm nào được mùa thì các gia đình tổ chức lớn hơn, mổ thêm bò, lợn để mời bà con họ hàng ăn uống thoải mái. Năm thất bát thì chỉ làm gà, lợn nhỏ kính cáo với tổ tiên, trời đất cho đúng lễ. Nói chung bữa cơm tất niên hằng năm cũng là sự phản ánh đúng thực tế đời sống, việc làm ăn trong năm của dân bản”, già làng Mô nói.

 

Ngày tết của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô cứ vui vẻ như vậy, kéo dài chính thức trong 4 ngày: 2 ngày cuối năm và 2 ngày đầu năm. Những ngày này, xóm giềng thăm chúc tết lẫn nhau, sau đó mới đi sang các làng khác, xã khác để chúc tết đầu năm. Phong tục làm bữa cơm tất niên cũng như đón những ngày tết cổ truyền của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đã duy trì từ xa xưa, đến nay dù đã có một số nét thay đổi cho phù hợp nhưng cốt lõi là vẫn giữ được những nét truyền thống tốt đẹp. Với họ, dù sung túc hay đạm bạc thì những dịp này vẫn chứa chan tình cảm gia đình, dòng tộc, xóm giềng ấm áp. Đó là điểm tựa tinh thần mà mỗi người con núi rừng tìm về như một bến đỗ bình yên mỗi dịp tết đến xuân về. Để rồi, sau những bữa cơm sum họp thân tình, ấm áp ấy, mỗi người lại tiếp tục lên rẫy, lên nương miệt mài lao động, chí thú làm ăn với mong muốn một năm mới sung túc, đủ đầy hơn...

 

Phụ nữ Pa Kô làm bánh chuẩn bị cho dịp Bún Aza. Ảnh: K.S

 

Cúng thần lúa đầu năm

 

Sau khi thu hoạch mùa màng (từ tháng 11 - 12 âm lịch), người Pa Kô gác lại mọi việc, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, vệ sinh khuôn viên bản làng sạch đẹp để chuẩn bị tổ chức lễ cúng thần lúa. Lễ cúng thần lúa rất quan trọng đối với người Pa Kô. Đây là dịp tôn vinh bà chủ hạt lúa tức là thần lúa đã ban cho con người có gạo ăn hằng ngày, thể hiện sự hiếu thuận, là trách nhiệm của mọi gia đình Pa Kô với bà lúa. Tuy chủ yếu cúng thần lúa nhưng nghi lễ trong dịp này hơn 15 vị thần khác cũng được gọi mời. Cứ mỗi vị thần được cúng 1 con gà, 2 ống xôi nướng, 2 ống cá hoặc thịt nướng và cúng chung một con lợn. Trong trường hợp những gia đình khá giả, làm giàu từ cây lúa thì có thể 5 năm hoặc 10 năm làm lễ cúng thần lúa bằng con trâu, bò hoặc dê. Sau khi lễ cúng thần lúa chu tất, người Pa Kô dành thời gian cho lễ Bún Aza (tết cổ truyền) diễn ra trong 2 ngày 1 đêm và tiếp tục nghỉ kị 3 ngày liên tiếp để tổ chức nhiều hoạt động tết truyền thống ý nghĩa. Quan niệm của người Pa Kô sau lễ Bún Aza tất cả mọi thứ diễn ra trong hoạt động lễ sau đó sẽ bị hư hỏng, thối rữa, các loại ma quỷ còn lai vãng xung quanh, nếu lên nương rẫy cây cối sẽ bị chết theo và vướng vào ma quỷ đang lang thang con người sẽ bị đe dọa, ốm đau nên thời gian này phải nghỉ ngơi và vui chơi.

 

Trong Bún Aza của người Pa Kô đa số các hoạt động mang yếu tố tâm linh là chính, các hoạt động văn hoá văn nghệ, trò chơi dân gian chỉ là phụ. Bún Aza không ấn định thời gian tổ chức đồng loạt của cả toàn thể người Pa Kô, mà chỉ tổ chức quy mô từng làng theo điều kiện phù hợp của làng, hộ gia đình. Bún Aza của người Pa Kô có hai loại: Bún Aza-Kăn (tết nữ) và Bún Aza-Koonh (tết nam). Bún Aza-Koonh là cấp độ cao nhất trong tết cổ truyền người Pa Kô. Quy mô tổ chức lễ Bún Aza-Koonh lớn hay nhỏ tuỳ theo khả năng kinh tế của các gia đình và dòng họ. Thường thì các nghi thức lễ rộng, nhiều và sâu, lượng khách tham dự ngang tầm lễ hội Ariêu piing. Công tác chuẩn bị Bún Aza-Koonh khá công phu và chu đáo. Trước hết, người Pa Kô thống kê những vấn đề vướng mắc, tồn tại cần giải quyết trong thực hiện các luật tục, phong tục tập quán ở bản thời gian qua. Sau đó, chuẩn bị các loại vật hiến sinh như trâu, bò, dê, lợn, gà; dự kiến lượng người tham gia, khách mời tham dự; phân công trách nhiệm từng thành viên trong dòng họ về đồ ăn, thức uống như gạo, rượu, người nấu ăn, ấn định thời gian tổ chức, ngày tổ chức…Trong những ngày của Bún Aza-Koonh các gia đình thường tham gia văn nghệ, chủ yếu là sử dụng trường ca Pa Kô như calơi, chachâp và tăng-y. Đối với Bún Aza-Kăn thì tổ chức đơn giản hơn, thủ tục chỉ gói gọn 1 mâm lễ cúng dòng họ, tuỳ theo khả năng dọn lễ của từng gia đình nhưng phải đủ các thành phần cần mời như Bún Aza-Koonh. Trong dịp Bún Aza-Koonh hay Bún Aza-Kăn mọi người đều phải thức thâu đêm hoặc dậy thật sớm để chuẩn bị thức ăn, đồ uống cho lễ.

 

Người Pa Kô thường diện những bộ trang phục, trang sức đẹp nhất đi chúc tết. Ảnh: K.K.S

 

Những ngày tết cổ truyền của mình, người Pa Kô rất xem trọng mối quan hệ nội ngoại. Để bày tỏ tình cảm hiếu nghĩa với bố mẹ, anh chị em bên nội, ngoại, họ thường dành nhiều thời gian qua lại thăm, chúc tụng nhau bằng những lời hay ý đẹp. Dịp này, họ đem những món quà tết tự tay mình làm ra để biếu cho nội, ngoại. Hai bên chào đón nhau hoan hỉ, ngồi ăn bữa cơm tết ấm cúng bên rượu cần. Lời chúc ngày tết của người Pa Kô rất quan trọng, nó được quan niệm mang lại những điều tốt lành cho người được chúc trong một năm. Vì thế, ai cũng cố gắng diện những bộ trang phục, trang sức đẹp, mới nhất của mình để ra khỏi nhà từ khi mặt trời chưa ló dạng để tìm đến thăm, chúc tết nhà mà mình thân quý. Những nhà được khách ghé thăm, chúc tết sớm rất phấn khởi, họ chào đón khách niềm nở và đôi bên thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất như: Mạnh khoẻ-sinh sôi, vui vẻ-đông hội, giàu có-bình an….

 

Các món ăn truyền thống của đồng bào Pa Kô không thể thiếu được trong mỗi dịp Bún Aza như cơm lam, bánh đòn (bánh beng) và cá hoặc thịt nướng ống. Những gia đình khá giả, có nhiều người thì làm thêm món bánh dày kèm với những vò rượu cần lớn. Bún Aza của người Pa Kô còn có mặt của một số nhạc cụ phục vụ hát hò, nhảy múa như cồng chiêng, trống và các loại nhạc cụ phụ như xaar, khên, abeel. Ngày xưa trong dịp tết cổ truyền người Pa Kô thường sử dụng các làn điệu calơi, chachâp và tăng-y để thể hiện trong bài hát của mình trong những ngày tết. Ngày nay các làn điệu cổ xưa ít dần, thay vào đó những nghệ nhân dựa trên nền làn điệu cũ để sáng tác các làn điệu dân ca mới. Lời những bài hát chủ yếu nói về cuộc sống hạnh phúc lứa đôi, hiếu nghĩa, được mùa…Trong không khí xuân ấm áp, người Pa Kô gặp gỡ nhau vui vẻ, họ lựa chọn những lời hay ý đẹp để chúc tụng; cùng cất lên những lời ca, tiếng hát động viên, khích lệ nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kì vọng trong một năm mới ai cũng gặp nhiều may mắn, đặc biệt bản làng luôn no ấm, nhà nhà thóc đầy kho.

 

Những năm trở lại đây, mặc dù một số hoạt động của Bún Aza của người Pa Kô bị mai một dần nhưng đồng bào vẫn đoàn kết giữ cái “cốt” của phong tục cha ông để lại.

 

Hiếu Giang - Ngọc Trang

973 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1413
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1413
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87108622