|
Tiến hành làm đất sớm, cày vùi gốc rạ để tiêu diệt mầm bệnh lùn sọc đen-Ảnh: T.Q
|
Do vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại, Chi cục TT&BVTV đề nghị các địa phương cần tập trung phòng trừ các đối tượng dịch hại, sâu bệnh ngay từ đầu vụ. Cụ thể, cần tiến hành diệt chuột trước khi vào vụ sản xuất bằng mọi biện pháp như đào bắt, đặt bẫy, đặt bã, sử dụng thuốc diệt chuột (ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học); phát động diệt chuột liên vùng, liên thôn, kết hợp diệt chuột ngoài đồng, ven làng với diệt chuột trong khu dân cư, các hộ gia đình.
Đối với ốc bươu vàng cần ưu tiên các biện pháp thủ công, bắt ốc và thu gom ổ trứng đem tiêu hủy; chỉ sử dụng biện pháp hóa học ở những nơi mật độ ốc cao, ốc nhỏ, không thể bắt bằng tay. Đối với bệnh lùn sọc đen (LSĐ) cần tiến hành làm đất sớm, cày vùi gốc rạ, dọn sạch cỏ dại, làm đất kĩ kết hợp bón vôi nhằm tiêu diệt nguồn bệnh LSĐ; tuyệt đối không sử dụng giống dài ngày, thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, nhất là những vùng đã bị bệnh LSĐ gây hại trong vụ hè thu 2017, 2018; xử lí giống trước khi gieo bằng thuốc Cruiser plus 312.5 FS, Map Silo 40SC… để hạn chế rầy lưng trắng truyền bệnh LSĐ trong giai đoạn đầu của cây lúa.
Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Trần Minh Tuấn lưu ý: Bên cạnh tổ chức ra quân đồng loạt, việc diệt chuột phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, tập trung vào các giai đoạn chuyển tiếp giữa các vụ sản xuất; thời gian diệt chuột giữa các địa phương phải cùng lúc, tránh tình trạng chuột di chuyển từ nơi này sang nơi khác; sau khi gieo sạ cần tiếp tục đặt bẫy, bã để diệt chuột, nhất là thời kì lúa làm đòng.
Đối với ốc bươu vàng khi sử dụng biện pháp hóa học trên ruộng phải có nước; nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát khi ốc hoạt động mạnh nhất để tăng hiệu quả của thuốc; thuốc diệt ốc bươu vàng độc đối với động vật thủy sinh nên cần thận trọng khi sử dụng gần khu vực nuôi trồng thủy sản.
Đối với bệnh LSĐ cần đảm bảo các kĩ thuật canh tác như sạ hàng, gieo thưa, bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm, cung cấp đầy đủ nước tưới theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa, quản lí cỏ dại, phun bổ sung phân bón qua lá chuyên dùng để nâng cao sức đề kháng của cây lúa; thăm đồng thường xuyên để phát hiện rầy lưng trắng và bệnh LSĐ sớm, chú ý giai đoạn sau gieo 7 – 30 ngày đầu là thời kì mẫn cảm của cây lúa đối với bệnh LSĐ; nếu phát hiện rầy lưng trắng mang nguồn virus LSĐ cần phun thuốc diệt trừ rầy ngay để hạn chế lây lan, truyền bệnh.
Thục Quyên