|
Cần ưu tiên diệt ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công
|
Ốc bươu vàng rất thích ăn mầm lúa và lúa non, làm giảm mật độ, tốn công tỉa dặm, ở mật độ cao có thể làm ruộng mất trắng, phải gieo lại, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trong thời gian tới ốc bươu vàng sẽ tiếp tục gây hại trên cây lúa, đặc biệt có thể hại nặng một số vùng nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Vì vậy, để phòng trừ ốc bươu vàng hiệu quả, tránh thiệt hại trên diện tích lúa đông xuân, các địa phương cần tích cực tổ chức diệt ốc bươu vàng bằng nhiều biện pháp như thủ công, cơ học, sinh học và hóa học. Nên ưu tiên biện pháp thủ công vì đây là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện, an toàn với môi trường, như: Tiến hành bắt ốc và thu gom ổ trứng đem tiêu hủy, có thể sử dụng thân lá khoai, chuối, đu đủ, sắn...; cắm cọc dẫn dụ ốc, thu hút ốc lên đẻ trứng rồi bắt và thu gom trứng tiêu hủy; vét rãnh trên ruộng để khi tháo nước, rút nước trong ruộng nhằm tập trung ốc ở rãnh để bắt; đặt lưới ở cống dẫn nước để ngăn chặn ốc lây lan, đồng thời cũng dễ thu gom. Về biện pháp sinh học, có thể thả vịt vào vào mương máng, lúa đã cứng cây để diệt trứng ốc và ốc.
Đối với biện pháp hóa học cần được cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ dụng khi ruộng có mật độ ốc quá cao, ốc tuổi nhỏ, gây hại diện tích lớn và khi đã áp dụng các biện pháp thủ công, sinh học mà không hiệu quả. Cần lựa chọn các loại thuốc ít độc với động vật thủy sinh, con người và môi trường như sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Niclosamide (AnPuma 700 WP, Molluska 700WP, Pisana 700WP,...) hoặc thuốc rải dạng hạt có hoạt chất Metaldehyde (Map passion, Snail Killer 12RB, Honeycin 6GR...)...
Thuốc diệt ốc bươu vàng độc đối với động vật thủy sinh nên cần thận trọng khi sử dụng gần khu vực nuôi trồng thủy sản. Nên sử dụng thuốc diệt ốc bươu vàng theo khuyến cáo liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Ngoài ra cần theo dõi các đối tượng sâu, bệnh trên mạ và lúa mới gieo để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Phan Việt Toàn