|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo giúp người dân thu dọn nhà cửa sau mưa lũ
|
|
Các cán bộ, chiến sĩ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai
|
|
Người dân thu hoạch lúa còn sót lại sau mưa lũ
|
Những ngày qua, mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Nhiều ngôi nhà của người dân và các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt… trong tỉnh bị hư hỏng, xuống cấp. Toàn tỉnh có 1.456 ngôi nhà bị ngập lụt, tập trung chủ yếu ở huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Triệu Phong. Để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng chức năng đã di dời, sơ tán 1.182 hộ dân với 5.264 người sống ở vùng thấp trũng, ven sông, suối, nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cao.
Mưa lớn kéo dài còn làm 4.483 ha lúa chưa thu hoạch cùng 391,4 ha hoa màu và 172,23 ha cây trồng hàng năm của người dân bị ngập úng, hư hỏng nặng. Nhiều gia súc, gia cầm của bà con bị chết.
Sáng cùng ngày, nhận thấy trời quang, mây tạnh, nước lụt rút, được sự chỉ đạo của các cấp, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn, đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên đã về vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai để khắc phục hậu quả lũ lụt; vệ sinh ở các khu vực, công trình công cộng, đặc biệt là trường học, trạm y tế; đến tận nhà để hỗ trợ người dân địa phương…
Riêng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tuyến biển và cơ quan Bộ Chỉ huy tăng cường cho các đơn vị ở vùng biên giới Việt – Lào để cùng chính quyền, người dân địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Lực lượng quân dân y cũng được tăng cường xuống các địa bàn xung yếu để tổ chức vệ sinh phòng dịch và khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân.
Từ điểm sơ tán, nhiều người dân đã trở về để kiểm tra, thu dọn nhà cửa và rất cảm kích khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các lực lượng chức năng và đoàn viên, thanh niên.
Theo ghi nhận, trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai diễn ra rất khẩn trương. Tại thị trấn Lao Bảo, từ 6 giờ sáng nay, đông đảo các cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên và người dân trên địa bàn đã bắt tay dọn dẹp, vệ sinh ở đường làng, ngõ xóm và các công trình công cộng. Các hộ dân bị thiệt hại nặng hoặc thuộc diện neo đơn, già yếu, đau ốm được các lực lượng tập trung hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho biết: “Mưa lớn kéo dài trong những ngày vừa qua đã làm 393 ngôi nhà trên địa bàn bị ngập lụt. Lực lượng chức năng đã phải di chuyển 575 hộ dân tới nơi an toàn. Tính đến 15 giờ chiều nay, khoảng 70% các hộ dân được đưa đi sơ tán đã trở về để dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống. Các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, quân sự, công an… cùng với cán bộ, người dân trên địa bàn thị trấn đã rất khẩn trương, nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai”.
Tại tuyến Lìa, huyện Hướng Hóa, đến chiều cùng ngày, lực lượng chức năng và người dân trong vùng vẫn đang tập trung dọn bùn đất, rác thải, cây cối trên tuyến đường trung tâm dẫn vào các xã, đặc biệt là khu vực cầu tràn để đảm bảo cho việc đi lại diễn ra an toàn, thuận lợi.
Bám sát tình hình địa phương, ông Trần Thế Nhân, Chủ tịch UBND xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong thông tin, rạng sáng nay, sau khi nước rút, các hộ dân bị ngập lụt nặng ở thôn Tân Đức đã nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa, trở lại với cuộc sống thường nhật. “Hôm qua, nhiều đoàn cán bộ của tỉnh, huyện đã đến tận nhà để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân ở thôn Tân Đức".
Ngoài khắc phục hậu quả thiên tai, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều hộ dân trên địa bàn đã ra đồng thu hoạch lúa vụ hè thu, hoa màu còn sót lại. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích lúa hè thu bị ngâm nhiều ngày dưới nước, một số vẫn còn xanh nên nỗ lực của người dân chưa được đền đáp như mong muốn.
Một thực tế khác là vì không được phơi phóng nên số hạt giống để dành cho vụ tới, lương thực tích trữ của số hộ dân trên địa bàn đã bị mọc mầm, hư hại. Bà Trần Thị Khánh Ly, trú tại thôn Phước Mỹ, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong cho biết: “Vụ mùa này, gia đình tôi thu hoạch được hơn 1 tấn lúa. Tuy nhiên, do trời mưa lũ, lúa không được phơi phóng nên toàn bộ đã bị mọc mầm. Giờ gia đình tôi không biết phải làm sao”.
Được biết, sẻ chia với những khó khăn của người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến tận nơi để hỗ trợ. Ngoài ra, nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện đã và đang tích cực huy động nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt là ở địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông.
Q.H