|
Đông đảo người dân Hướng Hóa tham gia chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Ảnh: KS
|
Hướng Hóa là huyện miền núi có gần 50% dân số người Vân Kiều và Pa Kô. Những năm qua mức sinh ở đây cao, chất lượng dân số thấp, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao gấp đôi bình quân chung của toàn tỉnh, tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, địa bàn huyện rộng, nhận thức của người dân về CSSKSS/KHHGĐ vẫn còn nhiều hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đên công tác dân số - KHHGĐ của địa phương. Đứng trước những khó khăn, thách thức, nhất là con đông dẫn đến nghèo đói và một số hệ lụy đi kèm, huyện tích cực thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó xác định mục tiêu trước mắt là tập trung cho giảm sinh và từng bước nâng cao chất lượng dân số. Ngay từ đầu mỗi năm, huyện xây dựng kế hoạch, đề ra chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu đạt và vượt. Bên cạnh đó, huyện Hướng Hóa đẩy mạnh công tác truyền thông về dân số - KHHGĐ bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú nhằm giáo dục chuyển đổi hành vi, tập trung vào những địa bàn và đối tượng, cụ thể nhất là vùng có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động truyền thông ưu tiên thực hiện là truyền thông trực tiếp, vận động, thuyết phục, địa bàn trọng tâm là vùng có mức sinh, tỉ lệ sinh con thứ 3 cao; đối tượng tập trung là cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên cao.
Với thực trạng tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên đang ở mức “báo động” thì ngoài công tác tuyên truyền vận động để người dân nhận thức đúng về chính sách dân số, huyện Hướng Hóa tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp duy trì mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên nhằm giảm sinh bền vững, giảm nghèo, giảm quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, nêu cao vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ dân số, cộng tác viên dân số ở cơ sở trong việc “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà rừng đối tượng” để thuyết phục, vận động thực hiện CSSKSS/KHHGĐ, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ, đặc biệt chú trọng đến đối tượng cặp vợ chồng đã có một hoặc hai con gái. Huy động sự vào cuộc của các cấp, các ban ngành, đoàn thể, địa phương trong tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua xây dựng đời sống mới, trong đó đưa các chỉ tiêu về dân số - KHHGĐ vào các hương ước, quy ước, làm tiêu chí đánh giá, bình xét hằng năm.
Lồng ghép nội dung về CSSKSS/KHHGĐ vào các cuộc họp dân, sinh hoạt định kì của các đoàn thể, thường xuyên đánh giá những mặt làm được, chưa làm được trong thực hiện mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên để rút kinh nghiệm, tìm giải pháp phù hợp khắc phục. Chú trọng công tác tuyên truyền vận động, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu về hệ lụy của sinh con đông, cũng như tác động của nó đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác vận động quần chúng thực hiện tốt việc truyền thông thay đổi nhận thức, xóa bỏ các quan niệm, hủ tục lạc hậu, nhất là hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn. Nhờ vậy, đến nay toàn huyện có 58 làng của 21/22 xã, thị trấn phát động xây dựng mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên, trong đó có 7 làng được UBND tỉnh tặng bằng khen kèm tiền thưởng để xây dựng công trình phúc lợi của thôn (1 làng duy trì 10 năm liền; 6 làng duy trì 3 năm).
|
Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ kí cam kết không sinh con thứ 3. Ảnh: KS
|
Thực hiện tốt chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ tại chỗ cũng là một trong những nội dung trọng tâm hằng năm nhằm giảm mức sinh ở Hướng Hóa. Huyện đã đẩy mạnh chiến dịch từ huyện đến xã với nội dung phong phú, hình thức thể hiện đa dạng thu hút đông đảo người dân, đối tượng tham gia. Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức tạo hiệu ứng tốt như băng rôn, cờ, tuyên truyền lưu động….; cấp phát tờ rơi, tạp chí và tranh ảnh trong các buổi họp dân giúp người dân nắm bắt kịp thời thông tin về chiến dịch. Chú trọng tuyên truyền viết bài, đưa tin và pa nô, áp phích truyền thông chiến dịch để người dân dễ dàng nghe, nhìn các thông điệp của chiến dịch. Các nội dung truyền thông về chính sách dân số trong tình hình mới được các cơ quan đơn vị lồng ghép tuyên truyền đến từng nhóm đối tượng. Nhiều nơi, các ban ngành, đoàn thể, thôn, bản tổ chức lồng ghép nội dung chiến dịch trong các buổi sinh hoạt nhân dân.
Nhờ vậy, kết quả chiến dịch hằng năm ở huyện luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Điển hình trong năm 2019, toàn huyện đã thực hiện 56 đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, 112 buổi nói chuyện chuyên đề về CSSKSS/KHHGĐ. Nhiều chỉ tiêu về thực hiện các gói dịch vụ KHHGĐ và dịch vụ phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản đạt cao: toàn huyện có 1.747 người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 108,1% kế hoạch; 3.488 số lượt phụ nữ được khám bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, đạt 124,6% kế hoạch, trong đó có 1.890 lượt phụ nữ được phát hiện và điều trị bệnh viêm nhiễm đường sinh sản; 671 trường hợp soi tươi đạt 149,1% kế hoạch và 299 trường hợp phiến độ âm đạo đạt 199,3 kế hoạch; số trẻ sinh ra trong 9 tháng đầu năm 2019 là 1.236 trẻ, giảm 86 trẻ so với cùng kì năm ngoái.
|
Văn nghệ chào mừng lễ ra quân chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ ở Hướng Hóa
|
Bên cạnh tập trung thực hiện, nhân rộng mô hình làng không có người sinh con thứ 3, đẩy mạnh chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ, huyện còn tập trung thực hiện tốt các đề án như sàng lọc trước sinh và sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Duy trì có hiệu quả và nhân rộng các CLB người cao tuổi, CLB vị thành niên, CLB trẻ em gái...
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa Trương Thị Thu Thủy cho biết: “Để thực hiện giảm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn, thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn trong việc tham gia thực hiện các chính sách dân số, KHHGĐ. Xây dựng, phát động mới mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên. Duy trì thành công tại 13 làng đang thực hiện tốt cam kết không có người sinh con thứ 3 trở lên. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên; mất cân bằng giới tính khi sinh; sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh. Tăng cường truyền thông lồng ghép đưa dịch vụ CSSKSSKHHGĐ đến các địa phương có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Kô Kăn Sương