Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 3.200 doanh nghiệp (DN), tăng 700 DN so với cuối năm 2015, trong đó có 3.150 DN nhỏ và vừa, chiếm 98,4%; số DN giải thể, ngừng, tạm ngừng hoạt động giảm so với giai đoạn 2011-2015. Tổng sản phẩm của DN trên địa bàn tỉnh tạo ra có tốc độ khá, đóng góp 47,6% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 35.500 lao động. Cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động của DN chuyển đổi phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, trách nhiệm xã hội của DN được nâng lên.
Tuy nhiên, nhìn chung cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN của tỉnh vẫn chưa đủ mạnh, thiếu tính đồng bộ; môi trường kinh doanh, khởi nghiệp chưa hấp dẫn; các chi phí trung gian, không chính thức còn nhiều. Thủ tục hành chính chưa thực sự thông thoáng. Lề lối, phong cách, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu chuẩn mực. Vai trò của Hiệp hội, câu lạc bộ doanh nhân chưa được thể hiện rõ nét.
Phần lớn DN trong tỉnh có quy mô nhỏ và vừa; hộ kinh doanh cá thể; công nghệ sản xuất ở mức trung bình, trình độ quản trị, năng lực tài chính, văn hóa kinh doanh của DN còn hạn chế; cơ cấu ngành nghề kinh doanh chưa hợp lý; thiếu sự hợp tác, liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa chú trọng đúng mức đến bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tình trạng gian lận thương mại, nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế kéo dài vẫn còn diễn ra…
Để KTTN thực sự trở thành một động lực phát triển quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, mục tiêu cụ thể được đề ra trong Chương trình hành động số 92-CTHĐ/TU ngày 17/10/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa XVI là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh doanh trong khu vực KTTN. Phấn đấu đến năm 2020 có 1.000-1.200 DN thành lập mới; giai đoạn 2020-2025 có khoảng 1.700-1.800 DN và giai đoạn 2025-2030 có khoảng 2.000 DN thành lập mới. Phấn đấu tỉ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 đạt khoảng 55%, năm 2030 đạt khoảng 60-65%.
Thực hiện chương trình, giải pháp xây dựng DN mạnh để đến năm 2025 có ít nhất 5 DN trong tỉnh có thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Phấn đấu bình quân mỗi năm giai đoạn 2017-2020 có từ 45-50 dự án được cấp phép đầu tư, giai đoạn 2020-2025 có 70-80 dự án và giai đoạn 2025-2030 có khoảng 100 dự án của nhà đầu tư tư nhân được cấp phép đầu tư. Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền, các ngành các cấp cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng là tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTN.
Trước hết, tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư từ KTTN và đảm bảo hoạt động của KTTN theo cơ chế thị trường. Xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thành lập DNTN, các hộ kinh doanh cá thể mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Xây dựng chiến lược phát triển DN của tỉnh; đề án hỗ trợ phát triển DN, khởi nghiệp DN; thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển DN nhỏ và vừa. Duy trì định kỳ tổ chức đối thoại và các hình thức tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với DN, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các DN, nhà đầu tư; chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN.
Thứ hai, mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Định hướng phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Bảo đảm quyền, cơ hội kinh doanh và bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực mà trọng tâm là vốn và đất đai; giảm chi phí cho DN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho DN. Hỗ trợ thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và DNTN; tạo điều kiện cho KTTN tham gia cung cấp dịch vụ công.
Hỗ trợ và khuyến khích các DNTN, hộ kinh doanh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển các loại cây, con có hiệu quả kinh tế, có lợi thế cạnh tranh, tạo sản phẩm chủ lực gắn với các chính sách cho thuê đất, hoán đổi đất, hỗ trợ về giống, sản phẩm đầu ra…
Thứ ba, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước đáp ứng mục tiêu phát triển của tỉnh; nhất là các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế tạo cơ sở thu hút các DNTN vào đầu tư. Huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ kết nối giao thương, sản xuất và tiêu dùng. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư, khai thác, sử dụng, kinh doanh các dự án, công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, minh bạch thông tin, kiểm soát chặt chẽ kinh phí đầu tư, việc vận hành và thu hồi vốn của các dự án kết cấu hạ tầng để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho người dân và DN.
Thứ tư, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực; thực hiện công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch các nguồn tài nguyên khoáng sản để các DN tiếp cận. Xây dựng quy định đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thăm dò, khai thác khoáng sản. Tạo điều kiện cho DNTN tiếp cận, thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư theo quy định của Chính phủ và của tỉnh; tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thành lập Trung tâm nghiên cứu xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của tỉnh. Hàng năm bố trí nguồn ngân sách tỉnh để bổ sung cho Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhằm giúp DN thiếu vốn nhưng chưa đủ điều kiện vay vốn tại các ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh…
Phương Minh