Tạo điều kiện để phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa 

(QTO) - Dự án phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số do tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (WVV) thực hiện và được Chính phủ New Zeland tài trợ thông qua tổ chức Tầm nhìn Thế giới New Zeland (WVNZ). Dự án được thực hiện từ tháng 6/2015 với mục tiêu cải thiện sinh kế cho nông dân nghèo thuộc 6 xã của huyện Hướng Hóa.

Người dân xã Hướng Phùng được hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê sạch. Ảnh: TT

 

Trước đây, người dân thôn Nguồn Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa chưa có ai trồng lạc mà hầu hết có thói quen trồng sắn với diện tích nhỏ lẻ, manh mún. Tháng 10/2015, thôn Nguồn Rào được dự án phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa (EMEE) hỗ trợ mô hình trồng sắn xen lạc với 42 hộ gia đình tham gia. Sau đó, trong thôn tách nhóm trồng cà phê và nhóm sắn thành 2 nhóm riêng biệt để người dân tiện bề hỗ trợ nhau. Lúc này nhóm trồng sắn xen lạc có 16 hộ, cả thôn khi đó còn hơn 20 hộ nghèo.

 

Khi tham gia dự án, các thành viên được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, bón phân vi sinh, chăm sóc và thu hoạch nông sản, kỹ năng làm việc nhóm. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ phân vi sinh, máy cày đất, máy phát cỏ. Ngoài ra, dự án còn giúp người dân liên kết với nhà máy để thu mua sắn sau mỗi vụ với giá cao hơn giá bán lẻ tại đia phương khoảng 1.700 đồng/kg. “Quỹ nhóm có 6 triệu đồng, số tiền này cho các thành viên trong nhóm vay làm vốn. Đến nay đã có 6 thành viên được vay. Nhóm trồng sắn xen lạc có 16 hộ tham gia thì chỉ trong 5 năm đã có 4 hộ thoát nghèo. Trong đó, nhiều người làm được nhà mới khang trang kiên cố từ tiền bán sắn và lạc. Riêng nhà tôi nhờ có mô hình này mà nuôi các con học đại học và mua xe máy mới cho con. Trồng sắn xen lạc không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp đất tốt tươi, màu mỡ hơn nữa”, chị Hồ Thị Ân, nhóm trưởng nhóm trồng sắn xen lạc nói.

 

Cách đây 5 năm, người dân thôn Xary, xã Hướng Phùng rất phấn khởi đăng ký tham gia nhóm liên kết sản xuất và kinh doanh cà phê do dự án EMEE hỗ trợ. Lúc bấy giờ có hơn 30 hộ tham gia với 70% là người dân tộc Vân Kiều. Khi tham gia dự án này, người dân thôn Xary được tập huấn về cách quản lý nhóm, kỹ thuật làm vườn ươm, trồng, chăm sóc và thu hoạch cà phê chất lượng cao… hỗ trợ men vi sinh để nhóm làm phân hữu cơ. Dự án còn hỗ trợ người dân thành lập nhóm tín dụng - tiết kiệm ASCA và kết nối với doanh nghiệp thu mua cà phê. “Giá bán cà phê cho doanh nghiệp Hoi An Roastary theo hợp đồng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường. Vì vậy người dân rất phấn khởi và nghiêm túc hợp tác với doanh nghiệp. Ngoài ra, nhóm tín dụng - tiết kiệm ASCA cũng hoạt động thường xuyên với tổng số tiền tiết kiệm và cho vay trong nhóm hơn 40 triệu đồng. Thu nhập của người dân từ cây cà phê cải thiện hơn nhiều so với trước. Trong nhóm có 5 hộ nhờ cây cà phê mà thoát nghèo”, nhóm trưởng nhóm liên kết sản xuất và kinh doanh cà phê thôn Xary Hồ Văn Hiu phấn khởi nói.

 

Dự án EMEE được triển khai thực hiện từ tháng 6/2015 với 1.234 hộ gia đình, 20 nhóm sản xuất, 1 hợp tác xã và 35 nhóm tiết kiệm thuộc các xã Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Sơn và Hướng Lập. Tính đến cuối tháng 5/2020, tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới trong các nhóm sản xuất thuộc dự án giảm đáng kể, thu nhập và điều kiện sống của nông dân đều tăng lên. Mục tiêu ban đầu của dự án là giúp 20% số hộ gia đình tăng thu nhập từ các sản phẩm trong chuỗi giá trị mà dự án can thiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 5, số liệu trên thực tế cho thấy số hộ gia đình tăng thu nhập cao gấp 3 lần mục tiêu đặt ra. Cùng với đó, thay đổi về kinh tế giúp việc chăm sóc trẻ em tại các gia đình được tốt hơn. Qua khảo sát có 61,5% số hộ gia đình đáp ứng tốt điều kiện chăm sóc cho trẻ em trong gia đình, vượt mục tiêu đặt ra ban đầu 43%. Hầu hết các gia đình tham gia dự án đều có thể tự mua những vật dụng thiết yếu cho trẻ em.

 

Đặc biệt, dự án cũng giúp tăng tính đoàn kết trong sản xuất và mua bán giữa các nông dân thông qua việc thành lập các nhóm sản xuất và nhóm tiết kiệm. Sau khi tham gia những nhóm này, người dân có thêm nhiều kênh để bán sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc tăng cường năng lực cho người nghèo và người dân tộc thiểu số tham gia vào chuỗi giá trị.

 

Qua trao đổi, các nông dân cho rằng, một trong những lợi ích của họ khi tham gia dự án là các nhóm sản xuất và nhóm tiết kiệm. Bởi vì khi tham gia nhóm sản xuất, người dân được tập huấn kỹ thuật canh tác mới, được vay vốn để mua công cụ, giống, phân bón và bán được nông sản với giá cao hơn. Khi tham gia nhóm tiết kiệm, người dân có cơ hội tiết kiệm, được vay tiền khi khó khăn. Ngoài ra, thay đổi lớn nhất của người nông dân trong dự án là thay đổi về kỹ thuật canh tác cả về nhận thức và thái độ thực hiện; đồng thời thay đổi bước đầu về tiết kiệm và quản lý tài chính trong mỗi gia đình. Người dân mong muốn sau khi dự án kết thúc, chính quyền các cấp sẽ duy trì và phát huy tốt kết quả mà dự án đã để lại.

 

Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, mặc dù Hướng Hóa nằm trong khu vực chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và canh tác cây trồng của đồng bào thiểu số nhưng các bên liên quan tham gia dự án EMEE đều khẳng định rằng nhờ có dự án mà thu nhập từ các cây trồng can thiệp đã tăng lên do năng suất và giá bán tăng lên, đồng thời giảm chi phí đầu vào. Sau 5 năm tham gia dự án, tỉ lệ gia đình có thêm tài sản giá trị so với trước năm 2015 là 47,95%, trong đó có 43% có thêm công cụ, máy móc phục vụ sản xuất (giá trị trên 1 triệu đồng).

 

Đối với từng loại cây trồng mà dự án can thiệp cũng có mức độ tăng thu nhập đáng kể. Trong đó, sắn là nông sản mang lại thu nhập tăng thêm cho nông dân rõ rệt nhất. 89,68% số hộ trồng sắn cho biết thu nhập từ trồng sắn của họ tăng lên 2-3 triệu đồng/sào. Gừng là giống cây mới nhưng cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân tham gia dự án. Nhờ có cây gừng mà số hộ nghèo trong các nhóm sản xuất gừng thôn A Xóc giảm 50% so với năm 2015. Những hộ tham gia trồng cà phê sạch thuộc dự án cũng bán được giá cao hơn so với những hộ khác. Ví dụ, bình thường cà phê tươi được bán giá 5.000 đồng/kg thì các hộ trồng cà phê sạch bán được giá 7.000 đồng/kg, có thời điểm họ còn bán được với giá 10.000 đồng/kg. “Huyện đã ký kết với đại diện dự án biên bản bàn giao các kết quả hoạt động sau khi dự án kết thúc nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả những thành quả mà dự án để lại, đồng thời giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Thuận thông tin.

 

Trần Tuyền

331 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 690
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 690
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77182651