|
Bệnh thối nõn dứa gây hại một số diện tích trên vùng dứa xã Hải Phúc, huyện Đakrông
|
Trong số 5ha dứa nguyên liệu triển khai trồng trên địa bàn xã Hải Phúc, huyện Đakrông, có khoảng 30% diện tích bị bệnh thối nõn với các triệu chúng như lá bị biến đổi từ màu xanh sang xanh xỉn, xanh vàng, đầu lá xám héo, cầm các đầu lá rút nhẹ lá bị bệnh rời khỏi thân dễ dàng. Cây bị bệnh thấp dần xuống do các chân lá non bị thối, rã dần ra, giữa mô bệnh và mô khỏe có đường viền màu nâu nổi rõ, đỉnh sinh trưởng của thân bị thối nhũn ướt, màu trắng bẩn.
Đối với diện tích đã bị bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra vuờn để phát hiện bệnh, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn dứa để đốt tiêu hủy, kịp thời khơi mương, rãnh thoát nước, không để đọng nước, ngập úng khi trời mưa.
Sau khi nhổ bỏ cây bệnh thì tiến hành khử trùng bề mặt và nâng cao độ pH của đất bằng vôi bột với lượng 1.000kg/ha, chia làm hai lần, không rắc trực tiếp vào gốc và rễ cây để khử nguồn bệnh.
Tại những vùng thường xuyên bị bệnh thối nõn dứa có thể sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật như thuốc Aliete 80WP, 72WP, Agri -fos 400…để phun khi bệnh xuất hiện theo chỉ dẫn của đơn vị chuyên môn để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Đối với những vườn chuẩn bị trồng dứa đợt 2 cần lưu ý các biện pháp phòng ngừa như chọn cây và chồi giống khỏe mạnh, căn cứ kế hoạch sản xuất của từng địa phương mà có lịch rải vụ thích hợp nhằm đảm bảo lịch thu hái và tránh phần nào sự gây hại của bệnh, chọn đất trồng có khả năng thoát nước tốt trong mùa mưa…
Ngoài ra khuyến cáo người trồng dứa sử dụng các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật an toàn để phòng trừ tốt bệnh thối nõn dứa trong mùa mưa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
T.T