Tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm gan A 

(QTO) - Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 20/7/2020, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 34 trường hợp mắc bệnh viêm gan A, tập trung tại 2 huyện Hướng Hóa và Vĩnh Linh. Theo nhận định chuyên môn, các yếu tố nguy cơ như sinh hoạt, ăn uống tập trung, điều kiện vệ sinh kém, thói quen phóng uế bừa bãi, vệ sinh cá nhân chưa tốt và đặc biệt là tỉ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh rất thấp... là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh viêm gan A bùng phát trong cộng đồng.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng góp phần phòng tránh nguy cơ mắc bệnh viêm gan A. Ảnh: PT

 

Với những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào ngày 17/4, đến nay huyện Vĩnh Linh đã xác định có 24 trường hợp mắc viêm gan A trên địa bàn. Ngoài 3 trường hợp mắc viêm gan A ghi nhận tại xã Vĩnh Hà và xã Vĩnh Sơn thì riêng ổ dịch tại xã Vĩnh Ô có 23 trường hợp, tập trung tại thôn Cây Tăm và thôn Thúc. Nguyên nhân được xác định do Vĩnh Ô là địa bàn vùng núi, tập quán sinh hoạt của người dân còn tồn tại những thói quen chưa hợp vệ sinh, tỉ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh rất thấp, điều kiện vệ sinh môi trường chưa đảm bảo... đã tạo điều kiện cho ổ dịch viêm gan A bùng phát tại đây.

 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Ngọc An, Trạm trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Ô cho biết: “Ngay từ khi phát hiện dịch bệnh khởi phát, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân xã đã khẩn trương báo cáo, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm y tế huyện và Trung tâm KSBT tỉnh triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong đó, trọng tâm là việc tổ chức các buổi truyền thông, tập huấn về kiến thức phòng bệnh cho người dân; giám sát dịch tễ, giám sát ca bệnh, xử lý môi trường, tuyên truyền vận động người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vận động người dân làm nhà tiêu để sử dụng và cung cấp vôi bột cho người dân để xử lý phân, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Nhờ triển khai các hoạt động kịp thời, đến nay dịch bệnh viêm gan A trên địa bàn xã Vĩnh Ô đã được khoanh vùng giám sát chặt chẽ, ý thức phòng bệnh của người dân cũng phần nào được nâng lên”.

 

Anh Hồ Văn Cường ở thôn Cây Tăm, xã Vĩnh Ô chia sẻ: “Từ khi biết mình mắc bệnh, tôi được cán bộ y tế vận động ở nhà không đi làm chung với anh em trong thôn, trong sinh hoạt không dùng chung các vật dụng với người trong nhà để tránh lây bệnh. Tôi cũng thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thực hiện ăn chín uống sôi theo lời khuyên của cán bộ y tế”.

 

Với quyết tâm sớm khống chế và kiểm soát diễn biến dịch bệnh viêm gan A trên địa bàn tỉnh, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nhiều hoạt động quyết liệt về chuyên môn nhằm bảo vệ người dân trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh. Trọng tâm là tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Kịp thời thực hiện điều tra, lấy mẫu, gửi mẫu các ca bệnh đầu tiên để xét nghiệm các ổ dịch. Triển khai ngay các biện pháp để xử lý ổ dịch; hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho trạm y tế phòng, chống dịch bệnh, thu dung điều trị, tổ chức cách ly phù hợp để không lây lan ra cộng đồng; tổ chức truyền thông bằng các hình thức phù hợp và hiệu quả về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm gan A. Trong đó chú trọng các giải pháp gồm thực hiện thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và chế biến thức ăn. Thực hiện ăn chín uống chín, sử dụng các dụng cụ và vật dụng ăn uống sinh hoạt phải đảm bảo vệ sinh.

 

Xây dựng, sử dụng hố xí hợp vệ sinh; phối hợp với các địa phương kiểm tra, tuyên truyền vận động các hộ gia đình, các hộ buôn bán thức ăn, quán ăn… triển khai các biện pháp về an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng, chống bệnh truyền nhiễm; tham mưu kịp thời cho chính quyền địa phương tổ chức tăng cường chỉ đạo các đoàn thể phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm gan A; khuyến cáo người dân tiêm phòng vắc xin viêm gan A tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để chủ động phòng, chống dịch bệnh; đồng thời chuẩn bị thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác giám sát, xử lý ổ dịch, triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra. Với việc chỉ đạo triển khai các giải pháp kịp thời và đồng bộ, cho đến nay, tình hình diễn biến dịch bệnh viêm gan A trên địa bàn tỉnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngành y tế.

 

Viêm gan A là bệnh do virus viêm gan A (HAV) gây ra, bệnh dễ có nguy cơ lây lan trên diện rộng và dễ bùng phát thành dịch. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp, kéo dài không quá 6 tháng, thường diễn tiến lành tính, tự giới hạn rồi khỏi bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Linh công tác Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm KSBT tỉnh thì khi mắc bệnh, tùy vào thể trạng của mỗi người mà bệnh sẽ có những triệu chứng và diễn biến khác nhau. Các triệu chứng điển hình khi mắc viêm gan A thường là mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc đau tức, khó chịu ở vùng bụng trên bên phải, bên dưới xương sườn; chán ăn, sốt nhẹ, nước tiểu sậm màu, đau cơ, ngứa, vàng da, vàng mắt… Ở một số trường hợp, viêm gan A có thể gây suy gan cấp tính, mất chức năng gan xảy ra đột ngột. Những người có nguy cơ biến chứng cao nhất gồm những người có bệnh gan mãn tính và người lớn tuổi. Mặc dù hiếm, song khi bệnh diễn tiến nặng với các biểu hiện sốt cao, vàng mắt, mệt lả, xuất huyết, hôn mê, gan teo… cần cho bệnh nhân nhập viện ngay để điều trị kịp thời nếu không bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng trong thời gian rất ngắn. Bệnh viêm gan A chủ yếu lây qua đường tiêu hóa (đường phân, miệng) do thói quen ăn, uống, ở không hợp vệ sinh, bệnh hiếm khi lây qua đường máu, các đường lây truyền chính bao gồm: Ăn thức ăn, thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh; uống nước bị nhiễm bệnh, bơi lội trong ao hồ, bể bơi bị nhiễm bệnh; ăn chung thức ăn, sử dụng chung đồ sinh hoạt cá nhân với người mắc bệnh.

 

Đến thời điểm hiện nay, bệnh viêm gan A vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng nguy cơ lây nhiễm bằng cách chủng ngừa đầy đủ vắc xin. Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Linh, ngoài biện pháp tiêm vắc xin theo đúng phác đồ, việc phòng, chống nguy cơ mắc bệnh viêm gan A trong cộng đồng cũng đem lại hiệu quả cao nếu người dân chủ động thực hiện các biện pháp như: Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, bao gồm giữ gìn vệ sinh chung, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với các chất bẩn; đảm bảo vệ sinh môi trường, nguồn nước, xử lý tốt phân, chất thải của người bệnh, rác thải, nước thải; thực hiện ăn chín uống chín, vệ sinh sạch sẽ các thực phẩm mua về để chế biến; không sử dụng chung các đồ dùng cá nhân với người bệnh; cần có những biện pháp phòng vệ đúng cách như đeo găng tay, kính nếu tiếp xúc với phân hay dịch của người bệnh do tính chất công việc; khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, theo dõi và điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và hạn chế nguy cơ lây bệnh cho cộng đồng.

 

 Phương Thảo

221 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 716
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 716
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77201627